1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bữa cơm Tất niên của mẹ

(Dân trí) - Năm nay, tôi không còn mẹ để được nhớ nữa. Mẹ tôi đã về cùng tiên tổ ở tuổi 92 vào đúng thời điểm mà hàng năm khi còn sống, mẹ thường bắt tay gấp rút chuẩn bị cho bữa cơm tất niên...

Năm nào cũng vậy, cứ vào độ cuối thu, khi những cơn gió heo may từ sông Hồng tràn qua bờ đê leo lên vòm cây làm rụng những chiếc lá vàng trên bờ hồ Hoàn Kiếm, tôi lại nao nao một nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ. Thế nhưng năm nay, tôi không còn mẹ để được nhớ nữa. Mẹ tôi đã về cùng tiên tổ ở tuổi 92 vào đúng thời điểm mà hàng năm khi còn sống, mẹ thường bắt tay gấp rút chuẩn bị cho bữa cơm tất niên. Đó là bữa cơm chia tay năm cũ, chào đón năm mới và chờ đợi những đứa con đi làm ăn xa, lưu lạc các phương trời trở về căn nhà của mẹ, nơi có hương hồn ông bà, tiên tổ. Bữa cơm ấm áp, thiêng liêng này rất được người làng tôi coi trọng nên mọi sự sơ suất đều là thất thố lớn. Những cô gái làng khác về làng tôi làm dâu một trong những điều đầu tiên được các bà mẹ chồng truyền bảo là phương cách sắp bữa cơm tất niên ngày tết.

Những năm trước khi còn khoẻ mạnh, vào đầu vụ gặt tháng mười, mẹ tôi đã chọn một đám lúa chín sớm nhất, trĩu hạt nhất gặt về phơi thật se dưới cái nắng hanh đầu mùa rồi cho vào chum sành, ủ bên trên bằng một lớp dày lá chuối hột khô chờ đúng đến chiều 30 tết mới được đem xay giã. Mẹ thường bảo làm thế thóc hãy còn "tươi" nên đượm thơm lúa gạo. Để nấu nồi cơm này, mẹ tôi còn chuẩn bị kỹ cả củi đun. Đó phải là rơm của những ruộng lúa nếp không rạp đổ, phơi thật khô. Từ nhỏ, tôi rất thích được ngắm mẹ khi Người ngồi thổi cơm Tết. Trong cái rét căm căm của châu thổ sông Hồng, khuôn mặt mẹ thường ngày tím tái vì thiếu đói và bươn chải nuôi con giờ hồng rực lên như thời con gái. Thảo nào bố tôi bảo ngày xưa mẹ đẹp có tiếng ở làng và bố tôi rất yêu mẹ. Với tôi, hình ảnh bố, một cụ già 90 tuổi bế đầu mẹ, một cụ già 92 tuổi trên đùi vừa bóp đầu vừa kể chuyện cho mẹ tôi nghe trước ngày mẹ tôi mất ít lâu như một khắc họa thiêng liêng, bất tử của tình yêu. Mẹ lấy bố khi mới 11 tuổi (bố tôi lên 9) và đến khi trút hơi thở cuối cùng, Người đã có 81 năm làm con dâu ông bà tôi, làm vợ bố tôi và điều đó cũng có nghĩa là mẹ đã 81 lần làm bữa cơm tất niên chào năm mới.   

Về thức ăn, mẹ tôi càng chuẩn bị kỹ hơn. Nhất là với con gà để cúng đêm trừ tịch. Đó phải là chú gà trống chớm tuổi trưởng thành. Nó không còn là gà nhiếp nhưng cũng chưa đến tuổi te tái đuổi theo ả gà mái tơ nhà hàng xóm. Trước khi đặt lưỡi dao sáng loáng vào cổ con gà để cắt tiết, bao giờ mẹ tôi cũng nói câu thần chú quen thuộc: "Tao hóa kiếp cho mày để mày thành kiếp khác". Cho đến tận những năm bốn mươi tuổi, tôi còn rất sợ câu "thần chú" này. Nhưng khi đã bước sang tuổi ngũ tuần, tôi mới hiểu được ẩn ý sâu thẳm của câu "thần chú thiêng liêng" đó. Đối với đám bắp cải, su hào thì bao giờ cũng là những cây tốt nhất, củ to nhất trong vườn được mẹ để dành lại.

Bữa cơm tươm tất được đưa lên khấn vái xong, chờ cho những nén hương tắt hẳn để thay một chầu hương mới, mẹ tôi trịnh trọng bê mâm xuống, mời bố tôi khi đó đang mài mực để lát nữa khai bút đầu xuân rồi đánh thức những đứa con còn ngủ rốn dậy và cả nhà quây quần bên mâm cơm. Trong đêm giao hoà của giời đất, cái khí trời se se lạnh xứ Bắc níu giữ mùi hương trầm bảng lảng như không muốn cho bay đi... Những món ăn nóng hổi được chắt từ giọt mồ hôi tần tảo của mẹ tôi từ nhiều tháng trước càng khiến bữa cơm thiêng liêng một cách kỳ diệu.

Trong bữa cơm ấy, bao giờ mẹ tôi cũng dặn dò chúng tôi những điều phải kiêng kị trong ba ngày tết. Chỉ những người làm ăn, học hành phát đạt mới được mẹ cho xông nhà mình và xông các nhà trong họ hàng nội ngoại. Anh trai tôi là người đầu tiên học đại học của làng nên thường được mẹ cử xông nhà sáng mồng một Tết. Mẹ còn dặn trong ba ngày tết không được quét nhà dù bẩn cũng phải chịu vì "của cào vào không có, có của đổ đi". Không những thế, Người còn bảo quét nhà ngày mồng một thì sinh ra nhiều kiến. Không biết lũ kiến vàng, kiến đen, kiến đỏ thì có liên quan gì đến việc quét nhà? Mẹ tôi còn dặn không được cắt móng chân, móng tay vì làm như vậy là "sái". Cả việc chải đầu cũng không được làm vào sáng mồng một vì sợ... rắc rối cả năm. Đặc biệt là mẹ tôi nghiêm cấm việc vay mượn, xin xỏ, nhờ vả người khác trong ba ngày tết.

Sáng mồng một Tết, Người thường đưa chúng tôi ra đình thắp hương lễ tạ Thành hoàng làng vì một năm mưa thuận, gió hòa làm ăn suôn sẻ. Thành hoàng làng tôi là Công chúa Trần Thị Quý Minh nên người làng tôi không bao giờ nói "quý" và "minh" mà thường nói chệch thành "quế" và "miêng". Khi có khách đến chơi nhà, người làng tôi thường bảo: Bác đến thăm nhà em thế này là quế hóa lắm... Ngay cả chữ "thanh minh" cũng đọc chệch thành "thanh miêng". Những khi ra đình làng, việc húy kị càng được thực hiện nghiêm ngặt. Vì vậy, năm nào cũng thế, trước khi ra lễ đình bao giờ mẹ cũng dặn chúng tôi kiêng kỵ rất cẩn thận.

Cách đây không lâu, trước khi đổ bệnh nặng, mẹ đã kịp dặn chú thím tôi chuẩn bị một số nguyên liệu cho bữa cơm tất niên. Gà, gạo chú thím tôi đã chuẩn bị sẵn. Cả đám rơm đun cũng được chú thím đánh đống để riêng. Và khi biết mình khó qua khỏi, người đã gọi chị dâu tôi vào tận giường căn dặn cách thức làm bữa cơm cúng tất niên.

Tôi năm nay bước sang tuổi năm mốt. Suốt nửa thế kỉ qua, năm nào tôi cũng được ăn bữa cơm cuối năm của mẹ. Các anh chị tôi ít may mắn hơn, không được đều đặn như tôi. Chiến tranh, những năm tháng lưu lạc xứ người, rồi lối sống thị thành vừa đầy đủ, vừa mê hoặc nhưng cũng hết sức ráo hoảnh đã lôi tôi đi như một cơn lốc. Bữa cơm tất niên trong mái nhà ấm áp của mẹ đã tẩy rửa cho tâm hồn tôi mỗi độ xuân sang.

Năm nay thành năm đầu tiên tôi không được ăn bữa cơm tất niên của mẹ. Năm mươi tuổi, tôi thành kẻ mồ côi mẹ. Mà mồ côi thì không có tuổi. Nơi suối vàng, chắc giờ này mẹ lại đang tất tưởi chuẩn bị bữa cơm cuối năm cho ông bà tôi. 

Bùi Hoàng Tám

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm