1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bồ câu đua - những chiến binh của bầu trời

Nếu như hai năm trước, đua bồ câu chỉ gói gọn trong cộng đồng nhỏ người Hoa sinh sống ở các quận 5, 8, 6, 11 và Tân Phú thì bây giờ, thú chơi này đang phát triển và lan rộng ra nhiều nơi ở TPHCM.

Mã số bí mật được quấn vào vòng đeo chân của các chiến binh trước cuộc đua.
Mã số bí mật được quấn vào vòng đeo chân của các chiến binh trước cuộc đua.
 
Hiện mỗi tháng có từ 1 đến 2 cuộc đua quy mô từ vài chục đến vài trăm chú chim bồ câu tham gia. Giải thưởng cho chim thắng chặng lên đến cả chục triệu đồng.

 

Đua bồ câu ở TPHCM bây giờ được tạm chia thành 3 thể loại: Đua tiến lên, đua bốn hướng và đua chặng. Thể loại đua tiến lên, bồ câu phải tham gia các cuộc đua có cự ly từ thấp đến cao, đồng nghĩa với độ khó, cự ly của các chặng sau tăng lên. Bồ câu thắng giải phải có tổng thời gian bay ngắn nhất, giống như đua xe đạp đường dài.

 

Thể loại đua 4 hướng thì địa điểm thả chim lần lượt theo 4 hướng, thậm chí có khi địa điểm thả chim ở trên biển. Thể loại đua thứ 3 là đua theo chặng, có thể là Bảo Lộc - TPHCM; Đà Lạt - TPHCM; Đà Nẵng - TPHCM... “Sắp tới theo kế hoạch sẽ tổ chức đua chặng Nghệ An - TPHCM với cự ly lên đến 1.000km” - anh Vũ Anh - một trong những người tham gia điều hành diễn đàn Bocauvietnam.com - cho biết.

 

Khổ luyện

 

Cho dù đua với thể loại nào, tính khốc liệt của các cuộc đua mà các chú chim bồ câu phải trải qua là điều không ai bàn cãi. Trong mỗi cuộc đua thường có đến 20% số chim tham dự không về được chuồng. Khoảng 30% số chim không thể hoàn thành chặng đua trong thời gian 3 ngày đầu. Đặc biệt, tính khốc liệt của các chặng đua càng nhân lên khi bồ câu phải đua trên  biển, đua những chặng dài trên 500km với thời gian bay lên đến hơn 20 giờ.

 

Sau những cuộc đua như vậy, trọng lượng của bồ câu nhiều khi sụt mất đến 1/3. Chẳng có gì quá đáng khi những người chơi bồ câu đua gọi những chú chim bồ câu đua là “chiến binh trên bầu trời”. Khổ luyện mới thành tài, trong thú chơi bồ câu đua cũng không khác. Để có chú bồ câu chiến binh đủ sức bay 500, 700, thậm chí 1.000km chẳng có cách nào khác ngoài việc tập dượt, khổ luyện trong một thời gian dài.
 
Mã số bí mật được quấn vào vòng đeo chân của các chiến binh trước cuộc đua.
Một chiến binh bồ câu thuộc giống xám 2 vạch, chuẩn bị xuất phát chặng đua Cam Ranh - TPHCM ngày 12.8.2012.

 

Anh Ngô Vĩ - người có gần 10 năm chơi chim bồ câu đua và tham gia rất nhiều cuộc đua - cho biết: Trước đây, khi phong trào chơi chim chưa phát triển, chủ chim muốn tập huấn cho chim phải tự mình làm. “Có khi tui phải mang vài chú chim, rủ thêm vài người bạn đi tàu đêm ra Bình Định để sáng hôm sau thả chim cho bay về nhà. Mỗi chuyến đi như vậy tốn đến vài triệu” - anh nói. Nhưng với sự phát triển mạnh của phong trào chơi bồ câu đua, hiện nay mọi công đoạn trong quá trình nuôi dưỡng huấn luyện đã được chuyên nghiệp hóa và tổ chức thành dịch vụ gọi là “dượt chim”.

Hằng tuần, người thực hiện dịch vụ sẽ gom chim lại, đưa đến một tỉnh nào đó để thả cho nó tự tìm đường bay về. Phí phải trả cho dịch vụ dượt chim cũng không quá đắt, cự ly ngắn thì chỉ 10.000 đồng/con, ở những cự ly xa hơn, phí tập huấn cũng không vượt quá 25.000 đồng/con, rẻ hơn rất nhiều so với việc mỗi chủ chim phải tự tập dượt.

 

Bay nhanh bằng… máy bay thương mại

Các giống bồ câu đua ở Việt Nam, phần lớn đều thuộc những giống bồ câu đua danh tiếng của Bỉ, Hà Lan... được nhập khẩu bằng con đường phi chính thức, thông qua một vùng lãnh thổ hoặc quốc gia thứ ba như Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan... Theo Trương Diệu Huy - người có thâm niên chơi chim bồ câu đua hơn 20 năm  - thì bồ câu đua ở Sài Gòn nhập khẩu về chỉ thường thường bậc trung. Những con chim có chất lượng khá hơn một chút, ở Đài Loan có giá lên đến vài ngàn đô Mỹ, vượt quá khả năng tài chính của giới chơi chim bồ câu đua ở Việt Nam.

Mặc dù có nguồn gốc không mấy danh tiếng nhưng khi được nhập khẩu vào Việt Nam, qua nhiều thế hệ và công tác tuyển chọn, những chiến binh bồ câu ở Sài Gòn vẫn có tốc độ bay khá tốt, xấp xỉ với tốc độ bay bình quân của chim bồ đua của nhiều nước. Phần nhiều chim đua đạt được tốc độ bình quân 60 - 80km/h trong những chặng đua ngắn trong điều kiện bay thuận gió.

Ở miền Nam, trong điều kiện gió thuận, thời tiết tốt, một chim đua có thể đạt tốc độ bình quân khoảng 80km/giờ. Thậm chí có nhiều trường hợp bay tập huấn cự ly 300km, chim chỉ mất chưa đến 3 giờ để về đến chuồng. Mặc dù so sánh hơi khập khiễng nhưng nếu so ra tốc độ của máy bay thương mại Việt Nam nhiều khi còn chậm hơn bồ câu. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, mưa, gió nghịch, chặng đua dài, tốc độ bay bình quân của chim bồ câu chỉ còn khoảng 20km/h.

Phận buồn nhà vô địch

Các chiến binh vô địch các chặng bay dài hoặc các cuộc đua tiến lên, đua bốn hướng thường có nhiều sự thay đổi sau chiến tích vang dội. Có thể trước cuộc đua, các chiến binh chỉ là kẻ vô danh, nhưng sau khi thắng chặng, nó trở nên nổi tiếng và số phận bắt đầu thay đổi - sự thay đổi tiêu cực. Một con chim thắng chặng đua Bình Định - TPHCM, cự ly 410km, với thời gian bay là 8 giờ 55 phút, được đưa ra bán đấu giá và 31 triệu đồng là giá cuối cùng.
 
Mã số bí mật được quấn vào vòng đeo chân của các chiến binh trước cuộc đua.
Các chiến binh được đóng dấu giáp lai trên cánh để xác nhận có tham gia cuộc đua nhằm chống gian lận.
 
Chủ nhân mới của nó là một người ở quận 8. Từ đó số phận của chú chim này gắn với việc bị cầm tù và gây giống. Nó đã không còn được tung cánh, căng sức lướt đi trong gió, tham gia những cuộc đua khốc liệt. Có thể cuộc sống hiện tại của nó sung sướng theo một nghĩa nào đó, nhưng với một chiến binh thực thụ, khi nó không được thể hiện mình ở những cuộc đua thì sống chẳng khác gì chết. Số phận của những chiến binh có “số má” thường có một mẫu số chung như vậy.

Theo lý giải của anh Chấn - một người chơi bồ câu đua có tiếng - có thể một phần vì giá trị của những con chim chiến thắng quá lớn, nên việc tham gia đua tiếp là một rủi ro cho chủ của nó. Con bồ câu trống, giống xám 2 vạch của anh Võ Thành Trung đang nổi như cồn trong giới chơi chim bồ câu đua Sài Gòn.

Chỉ trong vòng có nửa tháng, từ 29.7 đến 12.8.2012, chiến binh này đã đi vào lịch sử đua bồ câu Sài Gòn khi thắng liền 2 giải đua viễn chinh đầy  khắc nghiệt trong điều kiện gió nghịch Phan Rang - TPHCM và Cam Ranh - TPHCM. Sau cuộc đua, khi tôi gọi điện chúc mừng, anh Trung cho biết đã có một lời đề nghị mua chú chim này với giá khủng nhưng anh không bán.

“Sắp tới chắc là để nó gây giống, bộ lông của nó hiện nay quá xấu, nếu tiếp tục cho tham gia các cuộc đua tới trong điều kiện trời mưa thì rất dễ mất nó mãi mãi” - anh Trung nói.
 
Theo Ngọc Huân
Lao Động