Xử vụ gian lận thi cử Sơn La: Bất ngờ với sự tử tế của “người dưng”!
(Dân trí) - Nhiều người làm chứng được toà triệu tập cho rằng, bản thân không có quan hệ anh em, ruột thịt gì với các thí sinh nhưng vẫn nhờ những người quen biết giúp "xem trước điểm thi" cho những thí sinh này.
Sáng ngày 17/10, phiên toà xét xử vụ án gian lận thi cử ở Sơn La tiếp tục với phần thẩm vấn những người liên quan và người làm chứng. Đây là những người đã chuyển thông tin thí sinh cho các bị cáo và sau đó những thí sinh này đều được nâng điểm.
Điều đáng chú ý trong phần thẩm vấn của HĐXX đối với những người liên quan, người làm chứng trong vụ án đó là đa số những người này khai không có mối quan hệ gì với các thí sinh, thậm chí đó chỉ là những lời nhờ giúp đỡ của những người dưng, vị khách... không quen biết, nhưng những người này vẫn nhận nhờ các bị cáo "xem trước điểm thi" cho các thí sinh đó.
Ông Lê Văn Thời (SN 1956, trú tại tổ 2, phường Tô Hiệu, TP. Sơn La) - người nhận nhờ giúp “xem trước điểm thi” cho thí sinh Nguyễn Hà P. Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, ông Thời chuyển tờ giấy ghi thông tin của thí sinh P. cho ông Hoàng Tiến Đức (khi đó là Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La) nhờ “xem trước điểm thi”.
Khai trước toà, ông Thời cho biết, bản thân ông này có mối quan hệ quen biết với ông Hoàng Tiến Đức và không hề có mối quan hệ gì với thí sinh P. mà ông này nhận giúp nhờ “xem trước điểm thi”.
Về nội dung nhận, chuyển thông tin thí sinh, theo ông Thời, vào khoảng cuối tháng 6/2018, tại nhà hàng của ông Thời có một người khách (ông Thời không nhớ tên) đã đọc thông tin cá nhân của 1 thí sinh (họ tên, số báo danh, môn thi xét đại học) cho ông Thời để nhờ ông Thời chuyển cho ông Hoàng Tiến Đức "xem trước điểm thi” và ông Thời đồng ý.
Lúc này, ông Thời thấy người bạn là ông Hoàng Tiến Đức cũng đến ăn, tiếp khách tại nhà hàng, ông Thời đã đến gặp và chuyển thông tin cá nhân thí sinh Nguyễn Hà P., số báo danh 14000619 (thí sinh này có điểm công bố lần đầu là toán: 9,6, sử: 9,5 và văn: 8, tổng 27,1 điểm trong khi điểm thực tế chỉ là toán: 3, sử: 3,25 và văn: 5,25) cho ông Đức để nhờ "giúp đỡ".
Về động cơ, mục đích chuyển thông tin của thí sinh cho ông Hoàng Tiến Đức, ông Thời khẳng định, chỉ để nhờ giúp "xem trước điểm thi" chứ không nhờ "nâng điểm thi" cho thí sinh và cũng không trao đổi hứa hẹn gì về tiền, lợi ích vật chất khác.
Toàn cảnh phiên xét xử sáng nay 17/10 (Ảnh: Trần Thanh).
Còn bà Trần Thu Phương (SN 1980, trú tại Tiểu Khu 32, Thị trấn Nông trường Mộc) - người nhận nhờ “xem điểm trước” cho thí sinh Lê Văn H. (thí sinh này là con của bạn chồng Phương) cho biết, ngày 27/6/2018, Phương đến gặp ông Nguyễn Ngọc Hà (Trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD&ĐT Sơn La) đưa tờ giấy ghi thông tin của thí sinh H. nhờ Hà chỉ “xem điểm trước” cho thí sinh này để điều chỉnh nguyện vọng vào đại học. Sau khi có kết quả thi thì thí sinh này được 26,5 điểm, và sau khi chấm thẩm định thì điểm thi của thí sinh này bị giảm.
Một trường hợp khác là bà Chu Thị Mai Hương (SN 1981, trú tại Tổ 1 phường Chiềng Sinh, TP. Sơn La) nói bố mẹ mình nhận bà Dương Thị Đạt (là giáo viên trường THPT Chiềng Sinh, TP Sơn La) làm con nuôi; bà Đạt là đồng nghiệp trong ngành giáo dục của ông Nguyễn Ngọc Hà.
Tại toà, bà Hương cho biết, bản thân đã nhờ bà Đạt tác động để ông Hà xem điểm trước cho một thí sinh thuê trọ nhà mình. Tuy vậy, bà Hương chỉ biết thí sinh này được 26 điểm sau thi, không biết điểm chấm thẩm định là bao nhiêu. Điều đáng chú ý, trong bản cáo trạng, khi khai với cơ quan điều tra về thí sinh thuê trọ tại nhà mình mà Hương nhờ giúp “xem trước điểm thi” thì thí sinh này là cháu họ của Hương tên Phạm Anh D.
Chiều nay phiên toà tiếp tục làm việc.
Trần Thanh