Xử lý nợ xấu tín dụng, ngân hàng: Tỷ lệ án thi hành được thấp
(Dân trí) - Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tỉ lệ án tín dụng, ngân hàng được thi hành tại Nghệ An vẫn ở mức thấp. Người phải thi hành án lợi dụng khiếu nại, khiếu kiện để kéo dài thời gian thi hành án được xem là 1 trong những nguyên nhân khiến thi hành án tín dụng, ngân hàng đạt kết quả chưa cao.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về xử lý nợ xấu, trong 6 tháng đầu năm 2017 (tính từ tháng 10/2016 đến tháng 3/2017, Cục THADS tỉnh Nghệ An cùng các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh đã tập trung cao, quyết liệt trong việc triển khai nhiều giải pháp để thi hành các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Từ tháng 10/2016 đến tháng 3/2017, thi hành án các cấp tỉnh Nghệ An đã thụ lý 202 việc liên quan đến thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Mặc dù chỉ chiếm 2% về tổng số việc thụ lý nhưng chiếm đến hơn 60% số tiền thụ lý (hơn 481 tỷ đồng).
Trong số 202 việc đã thụ lý thì có 170 việc, hơn 402 tỷ có đủ điều kiện thi hành. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, thi hành án các cấp mới thi hành xong 18 việc, gần 61,5 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 10,6% số vụ việc và 15,4% số tiền có đủ điều kiện thi hành án.
“Trong 6 tháng qua, thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng tăng 8 việc và hơn 42 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016, thậm chí số tiền cao hơn cả năm 2016 1,5 tỷ đồng nhưng tỉ lệ thi hành án tín dụng, ngân hàng vẫn ở mức thấp. Thi hành án các cấp đã chuyển 184 việc, số tiền hơn 420 tỷ đồng sang 6 tháng cuối năm”, ông Phạm Quốc Nam, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Nghệ An đánh giá.
Về nguyên nhân khách quan, ngoài việc chấp hành viên chưa thật tích cực, chủ động tìm giải pháp thi hành án, việc thi hành án tín dụng, ngân hàng thấp còn do số việc phải thụ lý tăng cao, tạo ra áp lực lớn cho các chấp hành viên. Theo số liệu ông Nam cung cấp, trung bình 6 tháng đầu năm 2017, mỗi chấp hành viên của các cơ quan thi hành án phải xử lý đến 167 việc, riêng Chi cục THADS TP Vinh là 185 việc/ 1 chấp hành viên.
Có 1 số vụ việc người phải thi hành án già yếu, bỏ đi khỏi địa phương, không rõ địa chỉ, trong khi đó số tiền phải thi hành án thấp nên việc kê biên tài sản (chủ yếu là nhà đất) bán đấu giá để thi hành án rất khó.
Án tín dụng ngân hàng đa số liên quan đến tài sản nhà đất, là tài sản duy nhất của người phải thi hành án, do đó, người phải thi hành án thường chống đối quyết liệt. Thậm chí có vụ việc người phải thi hành án lợi dụng khiếu nại, khiếu kiện lên các cấp để kéo dài, trì hoãn việc thi hành án cũng được chỉ rõ là nhóm nguyên nhân khiến việc thi hành án tín dụng, ngân hàng gặp khó khăn.
“Tài sản để đảm bảo thi hành án có giá trị thấp do trượt giá của thị trường hoặc do giá thẩm định ban đầu cao hơn giá trị thực. Tài sản thi hành án chủ yếu là tài sản của người thứ 3 nên gây khó khăn cho việc kê biên, xử lý. Khi cho vay ngân hàng không giải thích rõ quyền và nghĩa vụ, đến khi tổ chức thi hành án thì người thứ 3 lại chống đối rất quyết liệt gây khó khăn cho các cơ quan thi hành án. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản lắng đọng, kết hợp với tâm lý ngại mua tài sản thi hành án nên tài sản bán đấu giá đang còn hạn chế. Hiện nay về án tín dụng ngân hàng đang còn 34 vụ việc, 93 tỷ đồng đã kê biên nhưng chưa bán đấu giá được”, ông Phạm Quốc Nam thông tin thêm.
Án tín dụng ngân hàng được xác định là trọng tâm, trọng điểm trong nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An. Cục THADS tỉnh Nghệ An cũng đã đề ra nhiều giải pháp nhằm hoàn thành được số việc liên quan đến án tín dụng, ngân hàng đã thụ lý và đủ điều kiện thi hành án.
Hoàng Lam