Xử đại án BIDV: Bầu Đức liên quan gì đến công ty “sân sau” ông Trần Bắc Hà?
(Dân trí) - Theo cáo trạng công bố tại tòa, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã giới thiệu bị cáo Đinh Văn Dũng cho ông Trần Bắc Hà. Ông Dũng sau đó giữ chức Tổng giám đốc công ty Bình Hà.
Ngày 26/10, phiên xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty CP chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trung Dũng bắt đầu ngày làm việc đầu tiên.
HĐXX triệu tập 80 cá nhân, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và 34 người làm chứng đến tham dự phiên tòa.
Tại phần thủ tục, thư ký phiên tòa cho biết, phiên tòa vắng mặt nhiều nhân chứng, cá nhân và đại diện các công ty liên quan đến vụ án. Một số cá nhân vắng mặt nhưng có ủy quyền cho người đại diện. Một số người tham gia tố tụng vắng mặt nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt.
Được triệu tập đến tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ông Nguyễn Gia Thiều (Chủ tịch HĐQT Cty Bình Hà thời điểm xảy ra vụ án) vắng mặt.
Trước sự vắng mặt của nhiều thành phần liên quan đến vụ án, đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại tòa cho biết, HĐXX đã triệu tập hợp lệ các nhân chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhưng tại phiên xử vẫn vắng mặt họ.
“Những người này vắng mặt nhưng họ đã có đầy đủ lời khai tại cơ quan điều tra nên việc vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến việc xét xử, đề nghị HĐXX tiếp tục phiên tòa, trường hợp cần thiết sẽ triệu tập sau.” - đại diện Viện kiểm sát nêu rõ.
Luật sư Trần Minh Hải, người bào chữa cho bị cáo Trần Lục Lang (cựu Phó Tổng giám đốc BIDV) nộp thêm tài liệu liên quan đến thân chủ của mình.
Theo vị luật sư, ngày 12/10/2020, ông có gửi một văn bản đến BIDV đề nghị thu thập thêm chứng cứ, thông tin. Ngày 23/10/2020, BIDV có văn bản phúc đáp, trong đó có nhiều thông tin cần phải xem xét ở phiên tòa.
Vị luật sư trình bày, theo văn bản phúc đáp trên, dự án của Công ty Bình Hà đã tái khởi động, tái cơ cấu, công ty đã hoạt động lại. Điều này cho thấy tất cả các thông tin mới đó sẽ tác động tới quá trình giải quyết vụ án.
Ông Đoàn Nguyên Đức giới thiệu “người cũ” cho ông Trần Bắc Hà
Theo cáo trạng được công bố tại tòa, trong khoảng thời gian 2011 - 2016, lợi dụng chức trách được giao, ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT BIDV) đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, chi nhánh Hà Thành cho Cty Bình Hà (công ty “sân sau” của Trần Bắc Hà) và Cty Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát cho BIDV số tiền đặc biệt lớn là 1.664 tỷ đồng.
Cty Bình Hà mới thành lập, chưa có bất cứ hoạt động kinh tế phát sinh, thuộc doanh nghiệp chưa đủ điều kiện xếp hạng tín dụng theo tiêu chuẩn của BIDV; vốn tự có và tài sản bảo đảm không đủ điều kiện để cấp tín dụng theo chính sách tín dụng của BIDV; hồ sơ pháp lý của dự án chưa đầy đủ, chưa đánh giá hết phương án kinh doanh và phương án trả nợ khi dự án không hiệu quả.
Mặc dù đã đánh giá và thẩm định dự án có 8 yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án nhưng theo sự chỉ đạo của Trần Bắc Hà, BIDV đã thẩm định, đề xuất và phê duyệt cho Cty Bình Hà vay vốn.
Trong quá trình giải ngân, BIDV đã không kiểm soát dòng tiền có được sau kinh doanh, để các cổ đông Cty Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân của BIDV... Tổng dư nợ của Cty Bình Hà tại BIDV không có khả năng thu hồi là hơn 799 tỷ đồng.
Theo cáo buộc, các bị cáo đã có sai phạm khi phê duyệt phương án kinh doanh, phương án trả nợ của Cty Bình Hà. Trong đó, không tính đến việc doanh nghiệp này không có đủ điều kiện nhập khẩu trực tiếp bò giống, bò thịt từ Úc, nhập cỏ voi từ Thái Lan để làm thức ăn cho bò.
Cty Bình Hà phải nhập khẩu bò Úc thông qua Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) dẫn đến tăng chi phí kinh doanh; giống cỏ voi Pakchong từ Thái Lan trồng tại Hà Tĩnh không hiệu quả do tình trạng sương muối khiến cỏ héo hoặc phát triển với năng suất không cao, chất lượng dinh dưỡng không đảm bảo để cho bò nên chi phí thức ăn tăng.
Quá trình thẩm định cho vay chưa tính đến chi phí môi giới, vận chuyển và sự hao hụt trọng lượng bò trong quá trình vận chuyển khi mua bò từ HAGL rồi bán bò cho các lò mổ chủ yếu tại Hà Nội dẫn tới giảm hiệu quả kinh tế và tăng chi phí. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc kinh doanh bị thua lỗ.
Ngoài ra, khi cho Cty Bình Hà vay, BIDV yêu cầu tiền bán bò cho các đơn vị, lò mổ phải được chuyển về ngân hàng để trừ nợ. Tuy nhiên, bị cáo Đinh Văn Dũng - cựu Tổng Giám đốc Cty Bình Hà cùng Trần Quang Anh, Thái Thành Vinh đã yêu cầu bên mua bò chuyển tiền vào tài khoản của mình và chiếm đoạt hơn 149 tỷ đồng, hiện mới trả được 128 tỷ đồng.
Cáo trạng cũng cho thấy, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HAGL đã giới thiệu bị cáo Đinh Văn Dũng cho ông Trần Bắc Hà. Cụ thể, đầu năm 2015, ông Hà nhờ ông Đức giới thiệu người có năng lực và kinh nghiệm quản lý để giúp thành lập công ty, đầu tư dự án nuôi bò. Ông Đức giới thiệu bị cáo Dũng, nhân viên cũ của Tập đoàn HAGL, từng phụ trách làm nông nghiệp tại Campuchia nhưng đã nghỉ việc từ đầu năm 2013.
Sau đó, ông Đức gọi Đinh Văn Dũng xuống Hà Tĩnh gặp Trần Duy Tùng (con ông Trần Bắc Hà) để hỗ trợ làm Dự án nhưng không nắm được nội dung cha ông Hà và bị cáo Dũng làm việc ra sao.
Khai với cơ quan điều tra, ông Đoàn Nguyên Đức cũng khẳng định không biết và không tham gia dự án. Sau khi dự án đổ bể, ông Trần Bắc Hà có gửi cho ông Đức biên bản đề nghị hỗ trợ trả nợ cho Cty Bình Hà. Ông Đức từ chối vì lý do không tham gia và không liên quan đến dự án này của Cty Bình Hà nên không có trách nhiệm.