1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Xoá sổ "vùng đất dữ" tại Sài Gòn

(Dân trí) - Sở Thùng - địa danh trước đây được nhiều người biết đến như "vùng đất dữ", là nơi ẩn mình của tệ nạn xã hội thì nay đã thay da đổi thịt, nhà cửa khang trang... Và vùng đất dữ ngày ấy, giờ đã "sở hữu" cung đường đẹp nhất Sài gòn, chạy dọc theo tuyến phố...

Sở Thùng ngày ấy!

Xoá sổ "vùng đất dữ" tại Sài Gòn - 1

Sở Thùng với những căn nhà ổ chuột cách đây vài năm.

Sở Thùng là xóm năm giáp ranh giữa địa bàn phường 11, quận Bình Thạnh với quận Gò Vấp. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, nơi đây là vùng đất hoang vu, có nhiều ao hồ, đầm lầy và được xem là "căn cứ" lý tưởng để các nhóm giang hồ, tệ nạn trú ngụ.

Ông Nguyễn M. (80 tuổi, sống từ nhỏ tại khu Sở Thùng) kể: “Cái nghèo và tệ nạn bủa vây. Nhiều gia đình con cái hư hỏng, nghiện ma túy, tù tội vì dấn theo nghề đâm thuê chém mướn, môi giới mại dâm, mua bán cái chết trắng. Ở Sở Thùng người nghiện rượu nhiều vô kể..."

Ông M. cho biết thêm, trước đây khó mà kiếm đâu ra một căn nhà tường gạch ở Sở Thùng, toàn là nhà tạm siêu vẹo, chắp vá bằng tôn và nhiều thứ mục nát kiếm được ở những xe rác đêm. Nhà cửa tạm bợ gá lên nhau để chống đổ ngã. Thế mới có chuyện hàng xóm xích mích nhau, dù là chuyện nhỏ nhặt nhưng giải quyết bằng cách “không cho gá cây lên nhà nữa”, thậm chí xô ngã cho bõ ghét”.

Chuyện là vậy nhưng chẳng ai dám lên tiếng vì người dân ở đây không còn lạ gì cảnh tượng bị truy sát bất cứ lúc nào nếu "mạnh miệng" phản đối về lối sống không lành mạnh của "thế giới ngầm". Những cuộc thanh trừng đẫm máu diễn ra thường xuyên đến mức ngày nào không có đụng độ hoặc sóng gió "xã hội đen" thì đó không phải là Sở Thùng.

“Ngày nào cũng có đổ máu, không sáng thì chiều, không chiều thì nửa khuya giữa những ông trùm bảo kê sòng bạc, chăn dắt gái. Tụi nó có thể đánh nhau đến chết nhưng với người dân làm ăn lương thiện ở đây thì luôn bênh vực, chẳng làm khó ai nếu biết điều với ba không: Không nghe, không thấy và không biết”, ông M. nói về quy luật tại Sở Thùng năm xưa.

Nói về những tay giang hồ khét tiếng tại Sơ Thùng trước đây phải nhắc đến T. "điên". Thời gian đó, T. "điên" là một ông trùm cho vay nặng lãi. Chân rết của T. "điên” có khắp nơi, trong đó có cả anh em, con cháu của gã, hoạt động từ cho vay nặng lãi, môi giới bán dâm đến tổ chức sòng bạc. “Sau này, nhiều băng nhóm kéo về cát cứ, tranh giành địa bàn làm ăn. Băng nhóm T. "điên” thất thế vì đàn em không phục, anh em hận thù nhau rồi mạnh ai tìm đường thoát thân. Nghe đâu T. "điên” bị sát hại, con cái chết vì ma túy, nhiễm HIV…”, ông Q. (người từng sống tại Sở Thùng) kể lại.

Khoác áo mới trên "vùng đất dữ"

Đại lộ Phạm Văn Đồng và những căn nhà khang trang trên khu Sở Thùng.
Đại lộ Phạm Văn Đồng và những căn nhà khang trang trên khu Sở Thùng.

Những người từng có thời gian sống tại Sở Thùng cho rằng, chính cái nghèo, ít học kéo theo tệ nạn xã hội khiến nơi đây "môn nào cũng có". Từ mại dâm, ma túy, trộm cướp. Những lớp người lớn lên với nghề rác ở Sở Thùng ít nhiều ảnh hưởng môi trường sống, vướng vào tệ nạn xã hội khi tuổi đời còn rất trẻ. Những cái tên sặc mùi giang hồ từng có quãng tuổi thơ dữ dội ở Sở Thùng nổi lên sau 1975 được nhắc đến như Sơn “máy tàu”; Minh “què”, “trùm” Le…

Tuy nhiên, khi dự án đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi hoàn thành với con đường mang tên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi vào hoạt động đã làm "thay da đổi thịt" cho khu Sở Thùng. Toàn bộ dự án không chỉ mở thêm một tuyến đường quan trọng đến sân bay Tân Sơn Nhất, mà còn giải quyết được nhu cầu đi lại của người dân cả một khu vực rộng lớn ở các quận Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp và Thủ Đức. Và dĩ nhiên "vũng đất dữ" Sở Thùng ngày nào đã lọt thỏm vào giữa trung tâm dự án.

“Sở Thùng bây giờ đường xá không những đẹp mà còn thông thoáng. Khu nghĩa địa, đất hoang trước kia giờ đã thành nhà cửa, trường học. Nạn buôn bán, hút chích ma túy, mại dâm ở đây gần như không còn. Vui nhất là chuyện các em nhỏ được đến trường không lê lổng rồi vướng vào tệ nạn như trước. Bà con trong tổ đều quan tâm chia nhau mỗi khi có việc. Sở Thùng bây giờ đã thay da đổi thịt rồi", chị Ngô Thị Ba (người địa phương) hồ hởi chia sẻ.

Trước đây, phần lớn người dân làm công việc đi phân loại rác để kiếm sống, mưu sinh qua ngày nhưng hiện nay không ít người nhờ chăm chỉ làm ăn, đã mua được đất cất nhà, lập gia đình, ổn định cuộc sống. Dần dần, khu vực rộng lớn này không còn đất trống. Mỗi ngày, những căn nhà khang trang lại tiếp nối được xây dựng.

Việc chung tay góp sức cùng với chính quyền nâng cấp hạ tầng cơ sở hay hỗ trợ cho những người nghèo được người dân Sở Thùng hưởng ứng tích cực. Thật vui khi thấy những con đường lầy lội bùn đất trước đây giờ đã được trải nhựa, láng xi măng. Những mả mồ vô danh, tàn phế đã nhường chỗ cho những căn nhà khang trang.

Xóm nhà tạm nồng nặc mùi rác rưởi ngày nào nay đã khang trang hơn, đời sống bà con nơi đây đã không còn “ngột ngạt” như xưa. Nay người dân ở Sở Thùng vẫn sống với nghề rác, hàng chục gia đình tiếp nối nghề. Trẻ em đã được đến trường học tập, thanh niên có nghề nghiệp ổn định. Và cái tên “vùng đất” chỉ còn trong ký ức.

Trung Kiên