Xét xử vụ sập mỏ đá Lèn Cờ vào giữa tháng 5

(Dân trí) - Tòa án tỉnh Nghệ An cho biết, vụ án sập mỏ đá Lèn Cờ (xã Nam Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) làm 18 người chết, 6 người bị thương sẽ được xét xử sơ thẩm vào giữa tháng 5 tới đây.

Xét xử vụ sập mỏ đá Lèn Cờ vào giữa tháng 5
Thảm họa Lèn Cờ cướp đi 18 sinh mạng - nỗi đau khôn xiết.
 
Theo đó, chủ mỏ Phan Công Chín sẽ bị đưa ra xét xử tội “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên gây hậu quả nghiêm trọng”.

Mỏ đá Lèn Cờ do Công ty TNHH Chín Mến (đóng trên địa bàn xã Nam Thành, Yên Thành, Nghệ An) khai thác từ năm 2007 và tháng 8/2010, Công ty tiếp tục được gia hạn khai thác. Tuy nhiên, trong thời gian này, công ty Chín Mến đã bị Công an huyện Yên Thành xử phạt hành chính vì vi phạm trong khai thác.

Mặc dầu đã bị CQĐT phạt hành chính, nhắc nhở... nhưng Công ty Chín Mến vẫn không tuân thủ và tiến hành khai thác bằng kỹ thuật sơ sài, quy trình không đảm bảo… Ngày 1/4 trong lúc 24 công nhân đang làm việc phía dưới lèn thì hàng ngàn khối đá đã truồi đổ ập khiến 18 người chết và 6 người bị thương.

Sau thảm họa Lèn Cờ, ngày 4/4/2011, Cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc và đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phan Công Chín (48 tuổi) - Giám đốc Công ty TNHH Chín Mến. Sau đó, công an tiếp tục thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Hoàng Thanh Long (56 tuổi) - Phó phòng Tài nguyên môi trường huyện Yên Thành về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ sập mỏ đá.

Theo cơ quan điều tra, sau khi có giấy phép khai thác mỏ đá Lèn Cờ, ông Chín được bổ nhiệm làm Giám đốc công ty Chín Mến. Theo đó, ông Chín tham gia điều hành mỏ, giám sát nổ mìn trên mỏ, làm các quy trình an toàn mỏ... Tuy nhiên, sau khi có những chức danh đó, ông Chín không những thực hiện mà còn lập ra các bến đá nhỏ rồi cho người khác thầu lại để thu tiền.
Xét xử vụ sập mỏ đá Lèn Cờ vào giữa tháng 5
Sau thảm họa Lèn Cờ nhiều đứa trẻ mồi côi cha mẹ.
 
Và mỏ đá Lèn Cờ được chia ra 4-5 khu vực nhỏ, mỗi bến đá nhỏ này có một dây chuyền chuyên xay đá, có thợ khoan đá, nổ mìn... và khoảng 5-10 công nhân, chủ yếu là người dân địa phương làm theo thời vụ, không có hợp đồng lao động, không có bảo hộ lao động... Kể từ đó, mỏ đá Lèn Cờ suốt ngày chìm trong tiếng máy xay đá và những cuốc mìn nổ. Đặc biệt, để thuận lợi trong việc khai thác, các bến đá này đã không tuân thủ quy trình khai thác đá từ trên xuống mà cứ thế xoáy sâu hàm ếch khiến cho các mạch liên kết trong đá bị rạn nứt...

Khoảng 7 giờ sáng ngày 1/4/2011, sau tiếng nổ vang trời, cả dãy núi đá thuộc mỏ Lèn Cờ sập xuống, đè chết 18 công nhân cùng nhiều máy móc, ôtô dưới đống đổ nát. Trong số các nạn nhân tử vong, có 2 người quản lý bến đá.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, Công ty Chín Mến đã vi phạm các quy định về an toàn lao động như không trang bị bảo hộ lao động, không ký hợp đồng lao động với công nhân mà chỉ sử dụng lao động thời vụ, người địa phương với hình thức như những cửu vạn.

Nguyên nhân sập mỏ đá Lèn Cờ là do việc khai thác không đúng quy trình được thẩm định, phê duyệt. Công ty Chín Mến đã khoan cắt chân của những phiến đá vỉa, tạo ra hàm ếch dẫn đến việc mỏ bị sập.

Điều 172 Bộ luật hình sự quy định tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên:
 
1. Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thuỷ, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 10 năm.
 
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng.
 
 
Nguyễn Duy