1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Xét xử vụ Dũng “mặt sắt”: Lắp biển số xe máy vào ô tô để chuyển lậu sang Trung Quốc

(Dân trí) - Tại phiên toà, vị đại diện VKS công bố tài liệu cho thấy, để vận chuyển lậu 29 ô tô sang Trung Quốc, bị cáo Chu Phúc Lượng (quốc tịch Trung Quốc) đã lấy biển kiểm soát của xe máy để lắp vào ô tô.

bc2-1461764404454

Bị cáo Chu Phúc Lượng (quốc tịch Trung Quốc) trả lời thẩm vấn tại toà khó khăn do bất đồng ngôn ngữ.

Chiều nay 27/4, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thẩm vấn các bị cáo liên quan đến đường dây buôn lậu qua biên giới do Dũng “mặt sắt” cầm đầu. Trong buổi thẩm vấn chiều nay, Chu Phúc Lượng (SN 1979), bị cáo người Trung Quốc do bất đồng ngôn ngữ nên việc thẩm vấn diễn ra khó khăn, phải nhờ đến người phiên dịch.

Ngoài ra có bị cáo Diệp Hải Dương (tên gọi khác là Diệp Dính, SN 1991) quốc tịch Việt Nam nhưng có bố mang quốc tịch Trung Quốc và trú tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

bc1-1461764404420

Bị cáo Diệp Hải Dương (Diệp Dính), quốc tịch Việt Nam nhưng có bố là người Trung Quốc. Diệp Dính trú tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, cả 2 đối tượng này đều làm nghề sửa chữa ô tô. Khi 2 đối tượng này đang có hành vi sửa chữa lắp đặt biển số xe Trung Quốc để vận chuyển qua biên giới tại khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh) thì bị cơ quan điều tra của Bộ Công an bắt giữ.

Theo tài liệu của cơ quan tố tụng, khi bị bắt giữ, 2 đối tượng đang có hành vi lắp đặt biển số xe Trung Quốc vào 29 chiếc xe ô tô để vận chuyển qua biên giới.

Tại phiên toà, 2 đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Giữ quyền công tố tại toà, vị đại diện VKS truy tội bị cáo Chu Phúc Lượng:

- Bị cáo có biết ở Trung Quốc cơ quan chức năng nào có thẩm quyền cấp biển kiểm soát cho xe ô tô?

- Không biết!

- Thế còn biển số xe máy bị cáo có biết cơ quan chức năng nào cấp không?

Không hiểu câu hỏi này của vị đại diện VKS, bị cáo Chu Phúc Lượng đã phải “cầu viện” đến người phiên dịch.

- Bị cáo có biết việc lắp đặt biển số xe giả là sai không?

- Dạ! Chắc là sai ạ!

“Bị cáo chỉ có thể trả lời sai hoặc không sai”, vị đại diện VKS nghiêm giọng.

Vị đại diện Viện kiểm sát công bố bút lục cho thấy, số biển kiểm soát mà Chu Phúc Lượng tham gia lắp đặt cho 29 chiếc ô tô đã được Bộ Công an Trung Quốc có công văn trả lời khẳng định đều là biển số giả. Trong đó bị cáo sử dụng biển số của mô tô 2 bánh để lắp vào ô tô.

bc3-1461764404455

Tiếp sau phần hỏi của vị đại diện VKS, vị luật sư hỏi Lượng: "Bị cáo có biết tiếng Việt không?". "Bị cáo không biết ạ!" - Lượng trả lời rành rẽ bằng tiếng Việt khiến những người có mặt tại toà phải bật cười.

Theo kết luật của cơ quan tố tụng, liên quan đến vụ án buôn lậu hàng hoá qua biên giới, ngoài Chu Phúc Lượng còn có một số đối tượng khác là người Trung Quốc. Tuy nhiên cơ quan CSĐT (Bộ Công an) không xác định được tên tuổi, địa chỉ nên không có cơ sở để xử lí.

Kết thúc phiên toà chiều nay, 27/4, tất cả các bị cáo được HĐXX thẩm vấn về tội “vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới” đều nhanh chóng cúi đầu nhận tội.

Ngày mai, 28/4, HĐXX tiếp tục thẩm vấn đến hành vi tiếp tay cho buôn lậu của các cán bộ Hải Quan cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh).

Dân trí sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin mới nhất từ phiên toà.

Tuấn Hợp – Phạm Hải Sâm