Xét xử vụ án "tuồn" hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài
(Dân trí) - Trong đường dây vận chuyển tiền trái phép ra nước ngoài của Nguyệt, nữ bị cáo đã rủ rê chồng, em trai, chị, cháu... cùng tham gia.
Sáng 21/12, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm vụ án vận chuyển trái phép hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài, đưa ra xét xử 13 bị cáo về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới". Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Nguyệt (37 tuổi) được xác định là đối tượng cầm đầu, một bị cáo khác là Phạm Hồng Hạo (SN 1967) đã tử vong.
Theo cáo trạng, năm 2016, Nguyệt được liên hệ, thuê để vận chuyển tiền trái phép ra nước ngoài. Bị cáo sau đó hợp tác với Phạm Hữu Thuật (41 tuổi, ở Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), thông qua pháp nhân 2 công ty để mua bán hồ sơ tạm nhập, tái xuất với giá 30 - 40 triệu đồng/bộ.
Nguyệt sử dụng hợp đồng này để nhập hàng hóa là IC điều khiển từ Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Sau đó, hàng lại được tái xuất sang Trung Quốc rồi lại được nhập lại về Việt Nam cho Thuật.
VKS xác định Thuật đã mở 49 tờ khai tạm nhập tái xuất hàng hóa để thực hiện thanh toán quốc tế 48 hợp đồng, nhằm chuyển ra nước ngoài.
Ngoài 2 công ty trên, Thuật cũng sử dụng pháp nhân Công ty TNHH MTV Thương mại và Du lịch xuất nhập khẩu BDA hợp thức hợp đồng tạm nhập, tái xuất IC điện tử để làm hồ sơ thanh toán quốc tế, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài.
Năm 2017, Nguyệt tiếp tục kết hợp với chồng là Phạm Anh Tuấn mượn CMND của người thân, lập 8 công ty để sử dụng pháp nhân của những công ty này, thực hiện thủ đoạn giống như trên để vận chuyển tiền trái phép ra nước ngoài.
Cơ quan tố tụng cáo buộc Nguyệt và Tuấn đã lôi kéo nhiều người thân trong gia đình như dì, em, chị, cháu... cùng tham gia thực hiện hành vi trên.
Để có hàng hóa hợp thức các hợp đồng kinh tế mua hàng tạm nhập, tái xuất, Nguyệt chỉ đạo em trai là Nguyễn Văn Thắng mua IC điện tử từ Trung Quốc để sử dụng làm tờ khai hàng hóa nhập khẩu. Số linh kiện này được sử dụng quay vòng nhiều lần.
Trong kế hoạch của Nguyệt, bị cáo còn chỉ đạo lập khống các hợp đồng kinh tế, làm giả chữ ký giám đốc các công ty nước ngoài, lập khống hợp đồng tạm nhập, tái xuất....
Bằng thủ đoạn này, các bị cáo đã chuyển hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài, thu lợi bất chính hơn 30 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, Nguyệt thừa nhận những cáo buộc của VKS. Nữ bị cáo khai bản thân vì thiếu hiểu biết về pháp luật nên mới thực hiện hành vi vi phạm. Nguyệt và các bị cáo bày tỏ mong muốn được hưởng khoan hồng của pháp luật.