1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ truy sát 2 phụ nữ ở Lai Châu: Khi nào có thể xử lý tội giết người?

Khả Vân

(Dân trí) - Theo luật sư, hành vi của đối tượng có dấu hiệu của 2 tội danh theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đó là Tội giết người và Tội cố ý gây thương tích.

Như đã đưa tin, sáng 16/5, do mâu thuẫn trong việc phân chia tài sản khi ly hôn, Lường Văn Quân (SN 1989, trú huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) dùng dao đâm tử vong vợ là chị V.P.M. (SN 1994). Chị V.L.N. (SN 1998, em chị M.) lao vào can ngăn cũng bị Quân đâm trọng thương.

Gây án xong, Quân lái xe máy bỏ trốn khỏi hiện trường. Trưa cùng ngày, đối tượng bị công an Lai Châu bắt giữ.

Vụ truy sát 2 phụ nữ ở Lai Châu: Khi nào có thể xử lý tội giết người? - 1

Cảnh sát bắt giữ nghi phạm Quân (Ảnh: Hoàng Văn).

Độc giả Dân trí đặt câu hỏi, với việc dùng hung khí sát hại vợ và khiến em vợ trọng thương, đối tượng Quân có thể phải đối diện với những tội danh nào?

Bình luận về sự việc, Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết, theo thông tin hiện có, chưa thể xác định chính xác tội danh đối với nghi phạm Quân. Tuy nhiên, ông nhận định hành vi của đối tượng có dấu hiệu của 2 tội danh theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đó là Tội giết người (Điều 123) và Tội cố ý gây thương tích (Điều 134).

Để xác định căn cứ định tội đối với nghi phạm này, cơ quan chức năng cần làm rõ một số yếu tố như sau:

Thứ nhất, cần xác định vị trí Quân gây thương tích cho các nạn nhân có phải là các vùng trọng yếu trên cơ thể hay không. Đó có thể là các vị trí đầu, cổ, gáy (loại thương tích làm tổn thương sọ não, động mạch cảnh, đốt sống cổ…); ngực, lưng, bụng (tổn thương tim, phổi, nội tạng) hoặc vùng hông, đùi trên (tổn thương động mạch chủ)…

Thứ hai, cần xác định về cường độ tấn công, làm rõ xem đối tượng có tấn công nhanh, mạnh và liên tục vào cơ thể nạn nhân hay không?

Thứ ba, về ý chí chủ quan, cần làm rõ động cơ, mục đích của đối tượng khi thực hiện hành vi là gì? Đối tượng tấn công nhằm đe dọa, gây thương tích hay có chủ ý tước đoạt mạng sống của nạn nhân hoặc ý thức được hành vi nguy hiểm, có thể gây hậu quả chết người nhưng vẫn thực hiện hành vi nguy hiểm, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra hay không?

Nếu đủ những yếu tố cấu thành đã nêu, kết hợp với hậu quả khiến vợ là chị M. tử vong, đối tượng Quân có thể bị xử lý về Tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.

Đối với trường hợp của chị N. bị đâm trọng thương, luật sư Tiền nhìn nhận nếu đối tượng tấn công nạn nhân bằng hành vi có tính chất nguy hiểm, cường độ mạnh, tác động vào vùng trọng yếu và có mục đích tước đoạt mạng sống nạn nhân hoặc ý thức được hậu quả chết người có thể xảy ra, đây cũng là hành vi có dấu hiệu của Tội giết người. Việc nạn nhân không tử vong nằm ngoài ý chí chủ quan của đối tượng và không phải căn cứ miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp này.

Tuy nhiên, nếu bị xử lý về Tội giết người, hành vi của đối tượng sẽ thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt theo Điều 15 Bộ luật Hình sự năm 2015 do nạn nhân không tử vong. Khi đó, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tối đa là chung thân hoặc tử hình, mức án tối đa đối tượng phải đối mặt sẽ là 20 năm. Trường hợp bị truy cứu với khung hình phạt có thời hạn, đối tượng sẽ được áp dụng mức phạt không quá 3/4 mức phạt theo quy định tại Điều 57 Bộ luật hình sự 2015.

Ngoài ra, nếu công an xác định hành vi của Quân đối với chị N. chưa đủ yếu tố cấu thành Tội giết người, đối tượng sẽ bị xem xét xử lý về Tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015. Khi đó, mức độ thương tật của nạn nhân sẽ là căn cứ xác định tình tiết định khung đối với nghi phạm.

Như vậy, luật sư Trần Xuân Tiền đánh giá có 2 trường hợp xảy ra như sau: Nếu Quân được xác định phạm Tội giết người đối với cả 2 nạn nhân, đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 với tình tiết định khung là giết 2 người trở lên. Khung hình phạt cao nhất có thể lên đến tử hình.

Trường hợp xác định Quân không phạm Tội giết người với em vợ, đối tượng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về 2 tội danh là Giết người và Cố ý gây thương tích.