1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ trường Gateway: Giáo viên chủ nhiệm tắc trách như thế nào?

(Dân trí) - Theo quy định, giáo viên chủ nhiệm phải điểm danh học sinh, ghi sỹ số lên góc bảng, cập nhật kết quả điểm danh lên phần mềm của nhà trường, liên hệ với phụ huynh… Song, bị can Nguyễn Thị Thủy biết vắng cháu L. nhưng đã không thực hiện các công việc của giáo viên chủ nhiệm.

Theo cáo trạng truy tố 3 bị can trong vụ bé trai tử vong trên xe đưa đón học sinh trường Gateway, nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do sự cẩu thả và tắc trách của cả 3 bị can: Nguyễn Bích Quy, Doãn Quý Phiến và Nguyễn Thị Thủy.

Vụ trường Gateway: Giáo viên chủ nhiệm tắc trách như thế nào? - 1
Bị can Nguyễn Thu Thủy tại cơ quan điều tra. (Ảnh: ANTĐ)

Cơ quan công tố khẳng định, chuỗi hành vi cẩu thả và tắc trách của cả 3 bị can đã dẫn đến hậu quả cháu Lê Hoàng L., lớp 1 Tokyo, trường Gateway, bị bỏ quên trên xe ô tô và đã tử vong vì suy hô hấp tuần hoàn do sốc nhiệt trong không gian giới hạn.

Bị can Nguyễn Bích Quy cẩu thả trong việc kiểm tra, quản lý học sinh đến lớp. Bị can Doãn Quý Phiến do quá tin tưởng, không kiểm tra khoang hành khách xe ô tô nên dẫn đến việc cháu Lê Hoàng L. bị bỏ trên xe ô tô.

Bị can Nguyễn Thị Thủy đã không thực hiện trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, khi điểm danh biết cháu L. vắng mặt không có lý do nhưng Thủy đã không liên lạc với gia đình cháu L., khi cập nhật phần mềm của nhà trường vẫn để thông tin là cháu L. vắng mặt có lý do.

Về hành vi cụ thể của bị can Nguyễn Thị Thủy, Viện Kiểm sát nêu rõ, trong thời gian thực hiện việc giảng dạy và quản lý lớp 1 Tokyo ở trường Gateway, bị can Thủy là giáo viên chủ nhiệm lớp.

Khoảng 7h50 ngày 6/8, Thủy lên lớp điểm danh học sinh, tuy phát hiện cháu Lê Hoàng L. vắng mặt không lý do nhưng Thủy không ghi sỹ số lên góc bảng (vẫn để sỹ số học sinh của ngày 5/8 là 17/17, vắng: 0) và không cập nhật được kết quả điểm danh vắng cháu L. lên hệ thống phần mềm Sycamore của nhà trường.

Sau đó, Thủy dạy môn Tiếng Việt đến 9h24 cùng ngày thì cho học sinh nghỉ giải lao.

Đến khoảng 9h50 cùng ngày, học sinh lớp 1 Tokyo tiếp tục vào lớp để học môn Toán do giáo viên Nguyễn Thị Thúy giảng dạy. Lúc này, Thủy có trực tiếp thông báo cho chị Thúy biết lớp vắng học sinh L..

Khoảng 9h55 cùng ngày, chị Nguyễn Thị Hà, nhân viên giám thị theo dõi nề nếp của các lớp, đứng tại hành lang quan sát thấy lớp 1 Tokyo đã có giáo viên đang dạy học, trên góc bảng có ghi sỹ số học sinh nên không có ý kiến.

Khoảng 10h cùng ngày, Thủy đi xuống Văn phòng nhà trường. Tại hành lang, Thủy gặp chị Nguyễn Thị Thu Trang, nhân viên của bộ phận giáo vụ. Chị Trang có nhắc Thủy về việc chưa cập nhật kết quả điểm danh học sinh lớp 1 Tokyo lên hệ thống phần mềm Sycamore. Thủy nói với chị Trang là đã điểm danh lúc 8h và nhờ Trang hướng dẫn thao tác cập nhật điểm danh trên máy tính.

Lúc này, Thủy nói với chị Trang biết lớp vắng 1 học sinh là cháu Lê Hoàng L. và chị Trang đã trực tiếp hướng dẫn Thủy sử dụng chuột máy tính đánh dấu vào từng cột. Trang đánh dấu vào cột học sinh L. vắng mặt có lý do và bảo Thủy kiểm tra lại cho chính xác trước khi cập nhật lên phần mềm Sycamore. Tuy nhiên, Thủy không kiểm tra mà vẫn để thông tin cháu L. vắng mặt có lý do và cập nhật lên phần mềm Sycamore.

Đến 11h5, Thủy lên căng tin ăn trưa cùng học sinh, điểm danh vẫn biết vắng cháu L.. Sau khi ăn xong, Thủy dẫn các cháu học sinh về lớp ngủ.

Khoảng 15h45 cùng ngày, Thủy quay lại lớp 1 Tokyo để điểm danh và kiểm tra sĩ số trước khi cho học sinh về, vẫn vắng cháu L..

Cơ quan tố tụng xác định, theo quy định của nhà trường, trong sổ tay giáo viên về quy trình quản lý lớp học, giáo viên chủ nhiệm phải điểm danh học sinh vào đầu buổi học, ghi sỹ số lên góc bảng và cập nhật kết quả điểm danh lên phần mềm Sycamore của nhà trường, liên hệ với phụ huynh, trao đổi thông tin về học sinh nghỉ học. Tuy nhiên, ngày 6/8, bị can Nguyễn Thị Thủy điểm danh biết vắng cháu L. nhưng đã không thực hiện các công việc của giáo viên chủ nhiệm.

Tiến Nguyên