1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ thuê người chặt chân, tay: Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc người phụ nữ thuê người khác chặt chân tay mình để trục lợi tiền bảo hiểm nhân thọ, theo phân tích của luật sư, người thuê và người được thuê chặt chân, tay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Vụ việc chị Lý Thị N. (30 tuổi, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội) thuê người chặt chân, tay mình, dựng hiện trường giả vụ tai nạn giao thông để trục lợi tiền bảo hiểm nhân thọ đang gây xôn xao dư luận.

Chân và tay chị N. bị chặt cụt. (Ảnh: Công an nhân dân)
Chân và tay chị N. bị chặt cụt. (Ảnh: Công an nhân dân)

Theo đó, do nợ nần, chị N. thuê anh Doãn Văn D. (21 tuổi, trú tai Phúc Thọ, Hà Nội) chặt tay, chân của mình với giá 50 triệu đồng. Anh D. đồng ý, sau đó đã mua dao, phớ.

Hai người chọn địa điểm “ra tay” là đoạn đường sắt sau Trung tâm huấn luyện K20, phố Kiều Mai, quận Bắc Từ Liêm, gần trụ sở cơ quan công an để còn kịp đưa chị N. đi cấp cứu.

Khi thấy tàu đến gần, chị N. kê chân lên bảo D. chặt trước, sau đó chặt tay rồi bảo D. chạy nhanh đến Công an quận Bắc Từ Liêm trình báo. Sau khi “ra tay’, anh D. đã được chị N. trả trước 20 triệu đồng.

Theo cơ quan công an, nếu “phi vụ” trên được thực hiện trót lọt, người phụ nữ này có thể được thanh toán tổng số tiền bảo hiểm lên tới 3,5 tỷ đồng.

Từ những điều tra ban đầu của cơ quan công an, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - đánh giá, xét về khía cạnh pháp lý, cả người thuê và người được thuê thực hiện hành vi dùng dao chặt bàn chân, bàn tay tạo ra thương tật để trục lợi bảo hiểm có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Luật sư Tạ Anh Tuấn: Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Luật sư Tạ Anh Tuấn: Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

“Người thuê người khác chặt chân, tay mình phạm tội “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” quy định tại Điều 213 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người này có thể phải đối mặt với mức hình phạt tù lên đến 7 năm tù giam.

Tuy nhiên, hiện nay, Bô luật Hình sự năm 2015 chưa có hiệu lực do bị lùi thời hạn thi hành nên chưa thể áp dụng ngay điều luật này. Song, cơ quan điều tra vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người thuê, người được thuê với vai trò đồng phạm giúp sức về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 2003” - luật sư Tuấn phân tích.

Cũng theo Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh, người thuê có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 2003, mặc dù họ có thỏa thuận với nhau để cùng gây thương tích.

“Điều khó khăn nhất cho cơ quan điều tra để có căn cứ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội danh này là người bị hại phải hợp tác với cơ quan điều tra để giám định thương tích. Nếu họ từ chối không đi giám định thì cũng không thể xử lý hình sự được.’” - luật sư Tuấn đánh giá.

Điều 213 Bộ luật Hình sự 2015: Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

c) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.

Tiến Nguyên