Vụ thảm sát ở Bình Phước: Tiến ba lần kêu ngưng, Dương nói: Làm tới cùng

Luật sư kể nghi can Tiến khai ba lần đề nghị dừng nhưng Dương vẫn “làm tới cùng”. Công an đã khởi tố hai bị can về tội giết người, cướp tài sản.

Chiều qua (13-7), Công an tỉnh Bình Phước cho biết đã chuyển hồ sơ sang VKS tỉnh đề nghị phê chuẩn quyết định khởi tố bị can (về tội giết người và cướp tài sản) và lệnh tạm giam bốn tháng đối với hai nghi can Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến.

Tối cùng ngày, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo VKS tỉnh nói: “VKS đã phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam bốn tháng đối với Dương và Tiến”.

Như đã phản ánh, hai nghi can Dương, Tiến đã nhận gây ra vụ thảm sát khiến sáu người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ (xã Minh Hưng, Chơn Thành, Bình Phước) chết thảm vào ngày 7-7. Chiều 10-7, Dương và Tiến bị bắt. Bước đầu Dương khai nhận là chủ mưu, rủ Tiến tham gia và sẽ chia tiền cho Tiến.

Nghi can Tiến khai đã ba lần đề nghị Dương dừng gây án. (Ảnh
do công an cung cấp)

Nghi can Tiến khai đã ba lần đề nghị Dương dừng gây án. (Ảnh do công an cung cấp)

“Đã làm thì làm tới cùng”

Công an tỉnh Bình Phước cho biết trong ngày 12-7, công an tỉnh đã mời ba luật sư tham gia hỏi cung bị can tại trại tạm giam nhằm đảm bảo khách quan và quyền lợi của các nghi can.

Chiều 13-7, luật sư Hoàng Kim Vinh, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước (một trong ba luật sư tham gia), cho biết ngày 12-7, ông cùng hai luật sư của đoàn đã có mặt tại buổi hỏi cung hai nghi can. “Quá trình hỏi cung, hai nghi can đã thừa nhận hành vi phạm tội và khai nhận quá trình gây án. Tại buổi hỏi cung, Tiến khai đã nhiều lần bảo Dương về, đừng gây án” - luật sư Vinh thông tin.

Cụ thể, luật sư Vinh kể: “Ở buổi xét hỏi thứ nhất, Tiến khai sau khi Dương sát hại em Vỹ thì Tiến đã quá sợ nên Tiến nói với Dương: “Thôi về đi, đừng làm nữa, tao sợ quá”. Tuy nhiên, Dương nói: “Về sao được, giờ mà về là lỡ hết việc của tao”. Vậy là Dương và Tiến tiếp tục đi vào, trèo lên lan can nơi phòng của nạn nhân Linh đang ngủ. Lần này Tiến tiếp tục đòi về, không muốn tham gia gây án nữa, Dương lại bảo: “Tao với mày đã làm thì làm tới cùng, giờ về sao được nữa”. Lần thứ ba, Tiến tiếp tục đòi dừng, không làm nữa là sau khi đã giết bà Nga (vì bà Nga không chỉ nơi cất tiền). Tuy nhiên, Dương lạnh lùng: “Phải làm tới cùng!”.

Cũng theo lời khai của Tiến, sau khi đã sát hại hết sáu người trong nhà, nghe tiếng bé Na khóc, Dương tới ôm và dỗ cho bé ngủ rồi mới ra về. Khi ra gần tới cổng, Dương và Tiến lại nghe tiếng bé Na khóc thét. Dương trở lại phòng để dỗ cho bé Na ngủ rồi mới quay ra chở Tiến về nhà trọ của Tiến (ở xã Nhị Bình, Hóc Môn, TP.HCM).

Lý giải điều này, Dương nói tiếng khóc của bé Na khiến Dương thức tỉnh và không nỡ giết, ngày thường Dương cũng rất quý mến bé Na.

Các đơn vị trong ban chuyên án kiểm tra hiện trường. Ảnh:
N.ĐỨC

Các đơn vị trong ban chuyên án kiểm tra hiện trường. Ảnh: N.ĐỨC

Tỏ ra hối hận

Theo một lãnh đạo VKS tỉnh Bình Phước, hai nghi can Dương, Tiến đã tỏ ra hối hận, khai báo thành khẩn. Những lời khai của các nghi can trùng khớp với hiện trường vụ án và những chứng cứ vật chất thu giữ được trong quá trình điều tra. Mặc dù trước đó Dương đã đóng kịch và than khóc, đau buồn trước tin người yêu cũ và gia đình người yêu bị sát hại.

Như đã phản ánh, khi được báo tin về vụ thảm sát, Dương quay lại hiện trường gây án và tham dựđám tangcủa nạn nhân như bình thường. Được triệu tập cùng nhiều người khác đến cơ quan điều tra, Dương vẫn diễn màn kịch đau khổ trước cái chết của người yêu cũ và nói rằng mình không liên quan. Dương còn đề nghị công an hãy lấy ADN đi giám định để chứng minh mình oan... Chỉ đến khi các điều tra viên đưa ra đầy đủ chứng cứ phạm tội, trong đó có cả vết máu hung thủ để lại hiện trường, 15 giờ ngày 10-7, Dương mới nhận tội và khai ra đồng phạm.

Một cán bộ tham gia xét hỏi cho biết hai nghi can Dương, Tiến thành khẩn khai báo, sức khỏe ổn định. Dương thì xin thuốc lá để hút, tinh thần mỏi mệt hơn những ngày đầu. Sức khỏe của Tiến thì tốt hơn.

Thưởng nóng ban chuyên án

Ngày 13-7, Trung tướng Ksor Nham, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ Công an), thay mặt Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật trao tặng 50 triệu đồng tiền thưởng cho ban chuyên án vụ thảm sát ở Bình Phước. NGUYỄN TÂN

Bộ Công an điều tra vụ thảm sát bốn người ở Nghệ An

Công an tỉnh Nghệ An đã huy động hơn 60 cán bộ, chiến sĩ và phối hợp với bộ đội biên phòng, Công an huyện Tương Dương và các huyện lân cận điều tra vụ thảm sát gia đình bốn người tại bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương.

Theo đó, nhiều điều tra viên dày dạn kinh nghiệm đã được công an tỉnh cử về huyện Tương Dương, bám sát địa bàn hơn 10 ngày nay. Ngoài ra, Cục Cảnh sát hình sự (C45, Bộ Công an) cũng cử một tổ công tác về Nghệ An tăng cường, hỗ trợ phá án.

Như đã thông tin, chiều 2-7, người dân phát hiện thấy thi thể bốn người trong cùng một nhà bị giết hại gồm anh Lô Văn Thọ (28 tuổi), vợ Lê Thị Yến (25 tuổi) và con trai tám tháng tuổi cùng bà Viêng Thị Dương (60 tuổi, mẹ ruột anh Thọ).

Tập trung mọi lực lượng phá án

Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, đã chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát phải huy động nhiều lực lượng để phá án. Ban chuyên án thành lập sáu tổ công tác đặc nhiệm với cán bộ, lãnh đạo của 14 đơn vị nghiệp vụ chuyên môn. Các chỉ huy cao nhất, có nhiều kinh nghiệm của lực lượng như Trung tướng Triệu Văn Đạt, Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng (đều là tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát); Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự; Thiếu tướng Vũ Quang Hưng, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT… đều có mặt rất sớm. Đại tá Trần Thắng Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước, được bí thư Tỉnh ủy cho dừng mọi cuộc họp để tham gia ban chuyên án và chỉ mặc duy nhất một bộ quần áo cảnh phục trong ba ngày…

10 giám đốc công an các tỉnh, thành; công an các huyện của tỉnh Bình Phước cũng đến hiện trường, cùng tham gia trao đổi, nhận định và triển khai lực lượng điều tra.

Trung tướng PHAN VĂN VĨNH, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Trưởng ban chuyên án.

 

Theo NGUYỄN ĐỨC

Pháp luật TP Hồ Chí Minh