1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

TPHCM:

Vụ tham nhũng tại Vifon, hồi hộp chờ phán quyết cuối cùng

(Dân trí) - Dù kết thúc phần tranh luận nhưng quan điểm về tư cách nguyên đơn dân sự của Bộ Công Thương và xác định số tiền 7,9 tỷ đồng là tiền nhà nước hay của tư nhân trong vụ án tham nhũng xảy ra tại Vifon vẫn không đồng nhất.

Không thể buộc tội tham ô?

Ngày 15/5, phiên tòa phúc thẩm các bị cáo trong vụ án tham nhũng xảy ra tại Công ty Cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) đã kết thúc phần tranh luận. Về tư cách nguyên đơn dân sự của Bộ Công Thương, VKSND Tối cao cho rằng, tòa sơ thẩm tuyên buộc Bộ Công thương là nguyên đơn dân sự, yêu cầu bị cáo Nguyễn Thanh Huyền (nguyên Phó Tổng Giám đốc Vifon) bồi thường cho Bộ này 9,8 tỷ đồng là có căn cứ. Sau bản án sơ thẩm phía Bộ Công Thương không kháng cáo, như vậy phần tuyên buộc này có hiệu lực pháp luật.

Viện dẫn các quy định pháp luật, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ trong vụ án, đặc biệt là lời khai của bị cáo Huyền tại cơ quan điều tra, VKS khẳng định, tòa sơ thẩm quy kết bị cáo Huyền tội tham ô tài sản là đúng người, đúng tội.

Các bị cáo nói lời sau cùng
Các bị cáo nói lời sau cùng

Luật sư bào chữa cho bị cáo Huyền phản biện, việc Bộ Công Thương không kháng cáo là do họ đã từ chối tư cách nguyên đơn dân sự. Theo Bộ Luật tố tụng dân sự thì nguyên đơn dân sự phải có đơn khởi kiện và được tòa án chấp nhận.
Theo Bộ Luật tố tụng hình sự thì nguyên đơn dân sự phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Như vậy ở đây tư cách nguyên đơn dân sự của Bộ Công Thương không được xác lập. Ngoài ra, theo pháp luật hiện hành thì phía tòa án không có quyền xác định tư cách nguyên đơn dân sự khi nguyên đơn dân sự không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Phía luật sư bào chữa cho bị cáo Huyền cũng lo ngại rằng, nếu vẫn xác định Bộ Công Thương là nguyên đơn dân sự thì e rằng việc thi hành án sẽ khó, vì theo nguyên tắc phía nguyên đơn dân sự phải có đơn yêu cầu thi hành án.

Vị luật sư viện dẫn, trong phiên tòa phúc thẩm giám định viên khẳng định rằng số tiền 7,9 tỷ đồng không phải là tài sản nhà nước. Nếu xác định không phải tiền nhà nước thì không thể buộc tội tham ô.

Vua của món trứ danh phở ăn liền Nguyễn Bi xin lượng khoan hồng khi cân nhắc giữa công và tội
"Vua" của món trứ danh "phở ăn liền" Nguyễn Bi xin lượng khoan hồng khi cân nhắc giữa công và tội

Không tranh luận vì khác quan điểm

Đối với hành vi cố ý làm trái của bị cáo Nguyễn Bi (nguyên Tổng Giám đốc Vifon) làm thiệt hại của nhà nước số tiền hơn 8,2 tỷ đồng, các luật sư bào chữa cho rằng thân chủ của mình không phạm tội.
VKSND tối cao viện dẫn lời khai của Nguyễn Bi tại cơ quan điều tra là bị cáo này đã thừa nhận tự phân chia số tiền 7,9 tỷ đồng là sai quy định của nhà nước. Cạnh đó, VKS viện dẫn việc Huyền đã khai rằng số tiền 7,9 tỷ đồng đúng ra là chia cho toàn thể cán bộ, nhân viên của công ty. Nhưng ông Bi lại có quyết định chi thưởng cho một số lãnh đạo công ty là không đúng.

Bị cáo Huyền một mực kêu oan
Bị cáo Huyền một mực kêu oan

Từ đó, VKS cho rằng 7,9 tỷ đồng là tiền nhà nước, vì đó là lợi nhuận từ việc liên doanh, sau đó được trích thưởng vào quỹ của công ty. Nếu chi không đúng nguyên tắc tài chính thì phải thu hồi, trả lại nhà nước. Mà đã trả lại nhà nước thì hành vi về tội tham ô và cố ý làm trái mà tòa sơ thẩm quy buộc là đúng. Trong khi đó, luật sư cho rằng đó là tiền của công ty vì đó là tiền trong quỹ phúc lợi, khen thưởng.

Kết thúc phần tranh luận, vị kiểm sát viên cho rằng vì quan điểm khác nhau nên không tiếp tục tranh luận với các vị luật sư nữa.

Được nói lời sau cùng, bị cáo Huyền cho rằng mình không làm gì gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho công ty, cho nhà nước. Việc bị cáo sai sót về mặt nghiệp vụ kế toán tài chính thì đó là về quản lý kinh tế. Việc truy tố tội tham ô và cố ý làm trái là oan cho bị cáo. Còn bị cáo Bi cho rằng mình đã cống hiến nhiều cho Vifon để có được thương hiệu nhưng ngày hôm nay, mong HĐXX xem xét lại tội danh.

Sau 4 ngày xét xử, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM sẽ tuyên án vào chiều 19/5.

Công Quang – Quốc Anh