1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

TPHCM:

Sáng nay xử phúc thẩm vụ án tham nhũng xảy ra tại công ty Vifon

(Dân trí) - Theo dự kiến, sáng nay, 12/5, TAND tối cao tại TPHCM sẽ mở phiên tòa phúc thẩm, xét xử các bị cáo trong vụ án tham nhũng xảy ra tại Công ty Cổ phần Kĩ nghệ Thực phẩm Việt Nam (Vifon).

Trước đó, ngày 24/3, TAND tối cao đã đưa vụ án này ra xét xử phúc thẩm nhưng phải tạm hoãn do vắng mặt bị cáo Nguyễn Bi, nguyên Tổng Giám đốc Vifon vì lý do bệnh nặng. Phiên tòa lần này được mở theo đơn kháng cáo của 5 bị cáo, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Theo bản án sơ thẩm, trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Bi bị tuyên phạt 22 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo Nguyễn Thanh Huyền bị phạt 20 năm tù về tội “Tham ô”, 15 năm tù về tội “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp hình phạt chung là 30 năm tù. Bị cáo Đàm Tú Liên, nguyên Kế toán trưởng lĩnh mức án 8 năm tù; bị cáo Dương Thị Mẫn, nguyên Kế toán thanh toán lĩnh mức án 7 năm tù và Ka Thị Thu Hồng lĩnh mức án 7 năm tù, về tội danh “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng, công ty Vifon được thành lập năm 1993 là doanh nghiệp Nhà nước, hạch toán độc lập. Tuy nhiên, từ 2002 - 2006, lợi dụng giai đoạn chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần, các bị cáo Nguyễn Thanh Huyền và Nguyễn Bi đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc chỉ đạo, thực hiện hạch toán sai tài khoản, sai nguồn vốn, lấy tiền của nhà nước và cổ đông để đưa vào huy động vốn cá nhân rồi sau đó rút ra chiếm đoạt, gây thiệt hại cho Nhà nước và các cổ đông số tiền 18,2 tỷ đồng.

Sau khi bản án tuyên, bị cáo Huyền kháng cáo kêu oan cả 2 tội danh. Nhân vật trung tâm của vụ án được dư luận quan tâm nhất là bị cáo Nguyễn Bi làm đơn kháng cáo kêu oan đến Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM xin xem xét lại mức án mà cấp sơ thẩm tuyên.

Ông Bi làm đơn kháng cáo kêu oan, vì cho rằng mình bị cấp sơ thẩm buộc tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” bởi hành vi được xác định, Phòng Tài vụ Vifon chuyển 2,28 tỷ đồng vào tài khoản con rể ông Bi với lí do chi là tiền huy động vốn. Trong khi đó, ông Bi cho rằng sau khi về hưu chưa quyết toán số tiền góp vốn, lương thưởng, số tiền cũng xấp xỉ 2 tỷ đồng nên phía Vifon chuyển trả số tiền trên là hợp lý. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Cơ quan cảnh sát điều tra, ông Bi cũng đã chuyển trả lại Vifon số tiền này, ngay từ khi vụ án chưa khởi tố bị can.

Bị cáo Nguyễn Bi được biết đến là người tạo tiếng vang trên thế giới với sản phẩm Phở ăn liền. Món này lọt vào danh sách top 10 giải thưởng thực phẩm toàn cầu.

Mặc dù không nằm trong danh sách 10 đại án tham nhũng của Ban Nội chính Trung ương nhưng vụ tham ô, cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng… xảy ra tại công ty Vifon bị gọi nhầm là “đại án”.

Sau phiên tòa sơ thẩm, có nhiều dư luận trái chiều và bản án cấp tòa này còn nhiều điều phải bàn. Trong đó, ở phiên tòa sơ thẩm, Bộ Công Thương không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, tại phiên tòa đại diện Bộ Công Thương cũng từ chối tư cách nguyên đơn dân sự. Bộ Công thương đã không phải là nguyên đơn dân sự, đồng nghĩa với việc hai Bộ khẳng định Nhà nước không mất tiền, không mất tài sản.

Hậu quả pháp lý của việc không có nguyên đơn dân sự dẫn đến câu hỏi, các bị cáo đã chiếm đoạt hay làm thất thoát tài sản của ai? Nếu không phải tài sản của Nhà nước thì phải xem xét lại tội danh tham ô của bị cáo Huyền cũng như tội “Cố ý làm trái…” của các bị cáo khác.

Công Quang