1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh: Tạm hoãn vì vắng quá nhiều người liên quan

(Dân trí) - Rất nhiều bên liên quan đến vụ án như: nguyên đơn dân sự, giám định, thẩm định giá… không có mặt tại phiên tòa. Do đó, HĐXX đã quyết định tạm hoãn phiên tòa.

Ngày 28/2, TAND TP Biên Hòa (Đồng Nai) mở phiên tòa xét xử các bị cáo Phan Thế Thượng (sinh năm 1955, quê tỉnh Sóc Trăng, chủ tàu kéo mang số hiệu SG-3745 dùng để đẩy sà lan SG-5984) và Trần Văn Giang (sinh năm 1981, quê tỉnh Bạc Liêu, lái tàu đâm sập cầu Ghềnh).

Hai bị can bị truy tố về các tội: điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy; vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy và đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn.

Hai bị cáo tại phiên tòa.
Hai bị cáo tại phiên tòa.

Trước đó, ngày 14/11/2017, tòa đã mở phiên xử nhưng sau khi kết phúc phần xét hỏi, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung.

Tại phiên tòa hôm nay, 5 công ty con thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam (là nguyên đơn dân sự trong vụ án) đồng loạt vắng mặt. Các bên giám định, thẩm định giá, có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng không có mặt tại phiên tòa.

Tại phần thủ tục khai mạc phiên toà, luật sư Trần Hải Đức và luật sư Huỳnh Tấn Tài (đoàn luật sư TPHCM) bào chữa cho bị cáo Thượng cho rằng việc vắng mặt của nguyên đơn dân sự ảnh hưởng đến vệc yêu cầu bồi thường.

Theo luật sư Đức, kết luận giám định đóng vai trò rất quan trọng, là căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại về mặt dân sự. Toà án đã trả hồ sơ để làm rõ vấn đề liên quan đến thiệt hại, Viện kiểm sát cũng từng đề nghị triệu tập giám định viên để tranh luận về kết quả giám định nhưng Toà án lại không triệu tập người giám định để giải thích kết luận giám định là thiếu sót quan trọng, làm ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án.

Ngoài ra, luật sư Đức còn cho rằng chân trụ của cầu Ghềnh trước và sau khi sập xuống đều không có trụ chống va trong khi tại cầu Đồng Nai nhỏ đều có các trụ chống va ở chân cầu. Theo các tài liệu luật sư thu thập được, cầu Ghềnh từng có trụ chống va từ trước năm 1975 nhưng trong quá trình quản lý, duy tu, sửa chữa cầu đơn vị quản lý đã không tuân thủ theo tình trạng kỹ thuật ban đầu dẫn đến hậu quả. Điều đó cho thấy có dấu hiệu tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Từ đó, hai luật sư đề nghị hoãn phiên toà, trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ các vấn đề nêu trên.

Luật sư Nguyễn Khánh Trang (Đoàn luật sư tỉnh Sóc Trăng) bào chữa cho bị cáo Giang chỉ xin HĐXX xem xét cho bị cáo tại ngoại vì vụ án đã kéo dài và quá thời hạn điều tra.

Còn đại diện Viện kiểm sát cho rằng: đối với yêu cầu khởi tố hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, sẽ xem xét nhưng việc này không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Đối với đề nghị triệu tập người giám định, Viện kiểm sát cho rằng Cục định giá Đồng Nai cũng xác định hội đồng định giá trong tố tụng hình sự thực hiện không đúng nên ý kiến luật sư xin hoãn phiên toàn để triệu tập người giám định là có cơ sở chấp nhận.

Sau khi hội ý, HĐXX quyết định chấp thuận yêu cầu của luật sư và ý kiến của Viện kiểm sát, tạm hoãn phiên tòa.

Trước đó, ngày 20/3/2016, Thượng, Giang và Nguyễn Văn Lẹ (sinh năm 1989, quê tỉnh Bạc Liêu) điều khiển tàu kéo SG-3745 đẩy sà lan SG-5984 chở khoảng 800 tấn cát từ miền Tây đến Đồng Nai tiêu thụ. Khi đến TPHCM, ông Thượng có việc riêng phải lên bờ giải quyết nên giao tàu lại cho Giang và Lẹ điều khiển chở cát đến TP Biên Hòa.

Đến khoảng 11h30 cùng ngày, tàu do Giang điều khiển đi đến đoạn sông Đồng Nai dưới chân cầu Ghềnh. Khi gặp dòng nước xoáy, do thiếu kinh nghiệm điều khiển sà lan nên Giang đã để cho sà lan đâm vào trụ cầu số 2 gây sập 2 nhịp cầu Ghềnh.

Xuân Duy