1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Vụ nổ súng trong rạp chiếu phim câm

Linh Phong

(Dân trí) - Nhân viên điều khiển máy chiếu của một rạp phim ở Mỹ thuê người sát hại ông chủ rạp phim. Để bắt hắn, cảnh sát phải dàn dựng một vở kịch.

Lawrence Austin là chủ rạp chiếu phim câm duy nhất ở nước Mỹ. Rạp thành lập từ thập niên 40 nhưng Lawrence mới mua nó từ năm 1991. Ngày 17/1/1997, ông cùng nhân viên tổ chức mừng ngày thành lập rạp ở thành phố Los Angeles, bang California. Nhưng bữa tiệc trong rạp trở thành thảm kịch khi những tiếng súng vang lên.

Sau loạt tiếng nổ, Lawrence tử vong với 3 viên đạn găm vào người. Mary Giles, một nữ nhân viên 19 tuổi của rạp, trúng đạn nhưng may mắn sống sót. Hung thủ chạy vụt qua rạp chiếu phim đông đúc rồi lao vào một hẻm tối ở phía sau rạp, theo các nhân chứng. 

Hung thủ bỏ lại tiền khi tẩu thoát

Một túi tiền mặt trị giá khoảng 500 USD nằm cạnh thi thể ông chủ rạp 74 tuổi nên ban đầu cảnh sát nghĩ rằng động cơ của hung thủ là cướp tài sản.

Mary Giles kể rằng trước khi án mạng xảy ra, một thanh niên có khuôn mặt đặc trưng của người gốc Mỹ Latinh đến rạp và yêu cầu gặp người quản lý. Khi Lawrence Austin bước đến, hắn bất ngờ rút súng và buộc ông đưa tiền mặt. Lawrence đưa tiền nhưng gã thanh niên vẫn bắn ông. Sau đó hắn bắn Mary Giles.

Vụ nổ súng trong rạp chiếu phim câm - 1

Ông Lawrence Austin qua đời ở tuổi 74 khi bị giết ngay trong rạp chiếu phim (Ảnh: oxygen.com).

Vì sao hung thủ bắn Lawrence dù ông không kháng cự hay từ chối yêu cầu của hắn? Phải chăng hắn đã muốn đoạt mạng ông ngay từ đầu?

Dựa vào mô tả của Mary Giles, họa sĩ của cảnh sát đã phác thảo chân dung của hung thủ. Cảnh sát cũng công bố giải thưởng 25.000 USD cho người cung cấp thông tin về kẻ gây án.

Kiểm tra tài khoản kinh doanh của rạp phim, cảnh sát ước tính tổng giá trị của rạp vào khoảng 3,5 triệu USD. Tuy nhiên, họ cũng thấy dấu hiệu của việc tiền được chuyển khỏi một tài khoản ngân hàng của Lawrence. Tên của James Van Sickle, người phụ trách máy chiếu phim 34 tuổi, xuất hiện trong danh sách những người nhận tiền từ tài khoản của Lawrence.

Điều tra lý lịch của James Van Sickle, cảnh sát phát hiện anh ta từng lĩnh án tù do giao dịch ma túy. James cũng từng suýt ra tòa vì tội Âm mưu giết người, nhưng cơ quan công tố buộc phải hủy cáo buộc đối với anh ta do nạn nhân không tới tòa án để tham dự phiên xử.

Màn kịch để nghi phạm thú tội

Trong tháng 2/1997, một người dân báo cảnh sát rằng Christian Rodriguez, một thanh niên 19 tuổi, đã khoe khoang về việc bắn Lawrence. Gã thanh niên kể James đã gặp gã từ vài tháng trước khi án mạng xảy ra. Điều trùng hợp là Christian Rodriguez có nguồn gốc Mỹ Latinh.

Giả thuyết của nhóm điều tra là James Van Sickle muốn chiếm đoạt tài sản của rạp chiếu phim. Vì thế, có thể James đã thuê Christian Rodriguez bắn Lawrence.

Cảnh sát yêu cầu người báo tin tìm cách để Christian Rodriguez thú nhận tội rồi bí mật ghi âm để tạo chứng cứ. Người báo tin liên hệ với James Van Sickle bằng điện thoại, nói rằng anh biết James liên quan tới vụ giết Lawrence và muốn 10.000 USD để im lặng. Nếu James không chi tiền, anh sẽ báo cảnh sát.

Vụ nổ súng trong rạp chiếu phim câm - 2

Ảnh Christian Rodriguez (trái) và James Van Sickle (phải) do cảnh sát công bố năm 2023. (Ảnh: oxygen.com)

Đúng như dự đoán của nhóm điều tra, James tới ngân hàng để rút 10.000 USD, rồi gặp người báo tin để đưa tiền. Trong quá trình gặp, người báo tin dẫn dắt câu chuyện để James thừa nhận gã đã thuê Christian Rodriguez bắn Lawrence Austin và Mary Giles. Hồi tháng 3/1997, cảnh sát lần lượt bắt James Van Sickle và Christian Rodriguez vì tội Giết người.

Christian Rodriguez khai rằng James thuê gã giết Lawrence Austin vì gã chưa từng có tiền án và tin rằng không ai nghi ngờ gã. Mức giá mà James đề nghị là 25.000 USD. James còn trả thêm 5.000 USD nếu Christian bắn Mary Giles để vụ án mạng giống như một vụ cướp tài sản.

Vào tháng 5/1999, James Van Sickle và Christian Rodriguez lĩnh án tù chung thân không ân xá vì các tội Giết người, Âm mưu giết người, Cướp tài sản, Trộm tài sản thương mại.

Theo www.oxygen.com