Vụ Nhật Cường: Người bình thường cũng biết hàng lậu không báo cáo thuế được
(Dân trí) - Nhắc bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc Tài chính Công ty Nhật Cường cần khai báo thành khẩn, HĐXX nói, một người bình thường cũng biết hàng lậu thì không báo cáo thuế được, hàng cấm nhập phải tiêu hủy.
Sáng nay (6/5), HĐXX TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án "Buôn lậu" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường).
Trong phiên xử sáng nay, HĐXX và các luật sư dành nhiều thời gian hỏi các bị cáo liên quan đến tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo cáo trạng, Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường (đang bỏ trốn) chỉ đạo cấp dưới lập 2 hệ thống phần mềm MISA và ERP. Trong đó, phần mềm ERP để ghi chép nội bộ, phản ánh thực hoạt động kinh doanh của công ty; phần mềm MISA dùng ghi chép số liệu để báo cáo thuế, tài chính, kê khai với cơ quan quản lý nhà nước.
Hành vi lập 2 hệ thống sổ sách kế toán nói trên đã bỏ ngoài sổ sách kế toán tài sản, nguồn vốn hoạt động thực tế của Công ty Nhật Cường, đã vi phạm pháp luật. Chỉ tính riêng nghĩa vụ nộp thuế trong các hoạt động kinh doanh của Công ty Nhật Cường đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 29 tỷ đồng (nguyên thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp, còn thuế xuất nhập khẩu đã được quy kết trong tội buôn lậu).
Hành vi trên, cáo trạng cáo buộc, Bùi Quang Huy là người trực tiếp chỉ đạo, có vai trò chủ mưu, chỉ huy, cầm đầu trong vụ án; Nguyễn Bảo Ngọc và Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng) là người thực hành trong vụ án.
Đứng trước bục khai báo trong phiên tòa sáng nay, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc khai được cấp quyền truy cập vào phần mềm ERP với nhiều phân hệ khác nhau, trong đó có phân hệ kế toán. Tuy nhiên, bị cáo này cho biết, trên phần mềm ERP mình chỉ thực hiện tạo đơn hàng nhập khẩu, trong đó có hàng hóa có hóa đơn, không có hóa đơn; còn bộ phận kho, kinh doanh chịu trách nhiệm nhập dữ liệu hàng hóa khi hàng về vào phần mềm ERP.
HĐXX hỏi, bị cáo có cung cấp thông tin dữ liệu hàng hóa nhập có hóa đơn, không có hóa đơn trên ERP cho bị cáo Hằng để báo cáo thuế, tài chính…? Bị cáo Ngọc nói, chỉ cung cấp cho bị cáo Hằng thông tin tài khoản các công ty, còn không cung cấp các dữ liệu hàng hóa để báo cáo, vì bị có Hằng có được cấp quyền truy cập vào ERP, nên có thể tự lấy thông tin ở đây.
"Trên hệ thống phần mềm ERP, bị cáo có nhìn thấy thông tin hàng hóa nhập khẩu có hóa đơn và không có hóa đơn không. Theo bị cáo, hàng hóa nhập về không có hóa đơn có khai báo thuế được không?", HĐXX hỏi.
Bị cáo Ngọc nói có nhìn thấy các thông tin đó, nhưng theo hiểu biết của mình về nghiệp vụ kế toán, thì hàng hóa nhập không hóa đơn chứng từ có được kê khai vào bảng kê hàng hóa mua vào không có hóa đơn để kê khai báo cáo thuế. Nhưng từ năm 2008 trở đi, bị cáo không làm kế toán nên không rõ quy định pháp luật có thay đổi như thế nào.
"Bị cáo là người học Đại học dân lập Thăng Long khoa Quản trị Kinh doanh, bị cáo phải hiểu rất rõ hàng hóa không có VAT thì làm sao báo cáo thuế được, mà trong phần mềm ERP có thông tin hàng hóa không có hóa đơn, vậy nếu in ra thì lộ hết kinh doanh thực, tài sản thực?", HĐXX chất vấn
Bị cáo Ngọc cúi đầu nói có biết điều đó, nhưng bị cáo không được giao thực hiện lập hệ thống sổ sách kế toán để báo cáo thuế, tài chính… của công ty, việc này là do bị cáo Hằng đảm nhận.
HĐXX nhắc bị cáo Ngọc về thái độ khai báo tại tòa, bởi nếu khai báo thành khẩn sẽ được ghi nhận và hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Theo HĐXX, một người bình thường không có nghiệp vụ kế toán cũng biết nếu hàng hóa nhập về không có hóa đơn thì không khai báo thuế được, nếu khai báo thì phải truy thu thuế, còn nếu là hàng hóa cấm nhập khẩu thì phải tiêu hủy.
Được yêu cầu lên bục khai báo đối chứng lại với lời khai của bị cáo Ngọc, bị cáo Hằng nói mình được giao quản lý phần mềm MISA, bị cáo Ngọc không đảm nhận công việc in thông tin, dữ liệu về hàng hóa gửi cơ quan thuế, tài chính.
Sáng nay, HĐXX đã kết thúc phần xét hỏi của các bị cáo, buổi chiều phiên tòa tiếp tục.