Vụ nghi án oan sai ở Thái Nguyên: Con dại, cái mang?
(Dân trí) - Trước những chứng cứ quá “non” của cơ quan điều tra, nhận thấy có “nhiều vấn đề” trong vụ án, TAND huyện Đồng Hỷ đã trả hồ sơ cho Viện KSND cùng cấp để yêu cầu cơ quan công an điều tra bổ sung.
Quýt làm, cam chịu?
Như Dân trí đã đưa tin, dư luận huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) và xã Văn Hán đang rất bất bình trước việc ông Nguyễn Văn Thái (SN 1966, trú tại xóm Phả Lý, xã Văn Hán) phải chịu tội thay cho con. Xuất phát từ việc phát hiện hàng xóm trộm củi của gia đình, Nguyễn Văn Sinh (sinh ngày 20/4/1999) đã dùng gậy đánh bà Nguyễn Thị Thắng (SN 1964, trú cùng xóm), gây thương tích.
Sự việc được chính quyền và công an địa phương lập biên bản, thu giữ tang vật Sinh dùng để đánh bà Thắng. Tại buổi hòa giải, bà Thắng yêu cầu gia đình Sinh phải bồi thường hơn 50 triệu đồng song ông Nguyễn Văn Thái, đại diện gia đình, chỉ đồng ý bồi thường cho bà Thắng 20 triệu đồng. Cũng tại buổi hòa giải có sự chứng kiến của đại diện Công an huyện Đồng Hỷ, Công an xã Văn Hán cho biết sẽ xử phạt hành chính Nguyễn Văn Sinh vì việc đã đánh bà Thắng gây thương tích, vì khi xảy ra sự việc, Sinh mới hơn 14 tuổi.
Hiện trường xảy ra vụ việc là bãi củi nhà ông Nguyễn Văn Thái.
Việc Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Đồng Hỷ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Thái đã gây bất bình trong dư luận. Theo hồ sơ vụ việc, căn cứ để CAH Đồng Hỷ khởi tố vụ án là lời khai của bà Nguyễn Thị Thắng và các nhân chứng. Song, luật sư Nguyễn Hoàng Hải (Văn phòng luật sư NG Hoàng Hải và cộng sự - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định, cơ quan điều tra dựa trên những hồ sơ này để khởi tố, bắt giam ông Thái là hoàn toàn vô lý.
Theo tài liệu điều tra, trong tất cả các biên bản, lời khai từ khi vụ việc xảy ra, ông Nguyễn Văn Thái đều khẳng định không hề đánh bà Nguyễn Thị Thắng. Trong 3 lần đối chất với bà Thắng và các nhân chứng, với sự chứng kiến của đại diện Viện KSND huyện Đồng Hỷ và CAH Đồng Hỷ, ông Thái đều giữ nguyên lời khai như trên.
Lời khai của Ngô Văn Hoàn (con rể ông Thái) và Nguyễn Văn Sinh đều khẳng định người đánh bà Nguyễn Thị Thắng là Sinh. Cần nói rõ là những lời khai này được lấy tại nhiều thời điểm khác nhau, từ khi chỉ là vụ việc mâu thuẫn tại địa phương tới khi ông Thái bị bắt giam.
Trong khi đó, bà Thắng sau khi thừa nhận Nguyễn Văn Sinh đánh mình đã “đổ thêm tội” cho ông Nguyễn Văn Thái. Việc đổ oan cho ông Thái của bà Thắng đã bị chính Công an xã Văn Hán “lật tẩy” ngay trong biên bản hòa giải, thỏa thuận đền bù giữa các bên.
Biên bản nêu rõ: “Căn cứ hồ sơ vụ việc xảy ra bà Nguyễn Thị Thắng đã khai trong biên bản lời khai là bà đã bị anh Nguyễn Văn Thái đánh vào cổ tay phải và đã bị gẫy xương cổ tay. Qua đối chiếu bệnh án và biên bản ghi lời khai của bà Thắng thì bà Thắng gẫy xương bàn tay phải. Như vậy dấu vết thương tích của bà Thắng không trùng khớp với việc xác định anh Thái là người đã đánh…”.
Rõ ràng, việc “đổ tội” cho ông Thái của bà Nguyễn Thị Thắng khó có thể chấp nhận được.
Dấu hiệu sai phạm của cơ quan điều tra
Cũng theo hồ sơ vụ án, Cơ quan CSĐT - CAH Đồng Hỷ đã đưa 4 người vào làm nhân chứng là Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Xuân Huê (Phó Trưởng xóm Phả Lý), Nguyễn Xuân Lộc (Trưởng xóm) và Hoàng Tiến Thăng (Công an viên xã Văn Hán). Điều đáng nói là, cả 4 người được Cơ quan điều tra cho là nhân chứng trên đều có quan hệ họ hàng với bà Nguyễn Thị Thắng. Điều này đã được vợ chồng bà Thắng thừa nhận với chúng tôi.
Đáng chú ý hơn, 3 người là Nguyễn Xuân Lộc, Nguyễn Xuân Huê, Hoàng Tiến Thăng được Cơ quan điều tra lấy lời khai với tư cách là “người làm chứng” trong khi cả 3 người này hoàn toàn không chứng kiến vụ việc. Chỉ khi sự việc kết thúc, nhận tin báo của người dân, 3 người này với cương vị là đại diện chính quyền và công an địa phương mới tới nơi để lập biên bản vụ việc.
Thậm chí, lời khai của Nguyễn Xuân Huê tại cơ quan điều tra còn khiến nhiều người bật cười. Ông này khai rằng, “tôi không trực tiếp nhìn thấy Thái đánh bà Thắng…, mặc dù Thái không nhận đánh bà Thắng nhưng tôi khẳng định Thái chính là người dùng gậy đánh bà Thắng”!?.
Theo luật sư Nguyễn Hoàng Hải, việc đưa những người không chứng kiến vụ việc, lại có quan hệ họ hàng với bị hại, vào làm nhân chứng là hoàn toàn không khách quan.
Đối với Nguyễn Văn Tuấn, trong lời khai tại cơ quan điều tra, Tuấn khai có nhìn thấy ông Nguyễn Văn Thái dùng gậy đánh bà Thắng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, khi sự việc vẫn chỉ là một vụ mâu thuẫn, xô xát, Nguyễn Văn Tuấn đã thừa nhận rằng, khi ở trong nhà ông Thắng chạy ra, Tuấn chỉ thấy bố con ông Thái đứng chửi nhau với bà Thắng. Tuấn khẳng định không hề nhìn thấy ông Thái đánh bà Thắng.
Một điểm khiến nhiều người đặt nghi vấn về tính khách quan trong lời khai của Nguyễn Văn Tuấn cũng như cách lấy lời khai của cơ quan điều tra, hai bản tự khai của Tuấn tại cơ quan điều tra ở 2 thời điểm khác nhau (tháng 1 và tháng 5/2014) lại giống nhau đến từ từ, từng chữ!.
“Nhân chứng không thuyết phục, không khách quan. Vật chứng không có, chỉ có cây gậy Sinh dùng để đánh bà Thắng. Việc truy tố ông Thái về tội cố ý gây thương tích, dùng hung khí nguy hiểm là không có căn cứ.” - luật sư Nguyễn Hoàng Hải nhận định.
Cũng theo luật sư Hải, việc cơ quan điều tra tiến hành thực nghiệm hiện trường không có bị can Nguyễn Văn Thái, chỉ dựa theo lời khai của bị hại và những người được cho là nhân chứng là hoàn toàn không khách quan, không làm rõ được nội dung vụ việc.
Nguồn tin từ TAND huyện Đồng Hỷ cho hay, nhận thấy vụ án trên có “nhiều vấn đề”, chứng cứ còn “non”, cơ quan này đã trả hồ sơ cho Viện KSND cùng cấp để yêu cầu cơ quan công an điều tra bổ sung. Dư luận đang mong chờ một cái kết hợp tình, hợp lý trong vụ án này.
Tiến Nguyên