1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ "mua mì chính giả làm đám cưới con": Đề nghị 24-30 tháng tù treo

(Dân trí) - Đại diện VKS Thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đề nghị mức án 24-30 tháng tù cho hưởng án treo đối với bị cáo Đào Thị Lương vì buôn bán 28 gói mì chính giả, trong khi các luật sư bào chữa cho rằng, văn bản của Bộ Y tế quy định mỳ chính thuộc danh mục phụ gia, không phải thực phẩm và tại Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 1999 không quy định người buôn bán, sản xuất phụ gia giả là tội phạm.

Chiều qua (17/10), TAND Thị xã Sơn Tây (Hà Nội) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Đào Thị Lương (SN 1961, trú tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội “Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” quy định tại khoản 1, điều 193, Bộ luật Hình sự 2015.

Bị cáo Đào Thị Lương (áo trắng) trình bày trước toà (Ảnh: Nguyễn Trường)
Bị cáo Đào Thị Lương (áo trắng) trình bày trước toà (Ảnh: Nguyễn Trường)

Thay đổi lời khai tại tòa

Sau khi đại diện viện kiểm sát công bố bản cáo trạng, bị cáo Đào Thị Lương khai trước tòa, công việc hàng ngày là nghề nông và bán hàng vào những ngày phiên chợ Mộc diễn ra.

Ngày 18/12/2016, khi mang vài gói mì chính còn thừa sau khi tổ chức đám cưới cho người con trai ra chợ bán thì có người phụ nữ tên Hồng đến hỏi mua. Về số lượng mì chính bán cho chị Hồng, bị cáo Lương khai đi mua thêm từ bà Tuyên - một người cùng bán hàng ở chợ Mộc.

“Khi cơ quan điều tra tiến hành khám xét nhà của bị cáo, có mặt tất cả mọi người thì được một người thi hành công vụ tên là Tuấn giải thích mì chính của công ty sản xuất có mép phẳng và mịn, còn không phải của công ty nhà nước là không được phẳng…”- bị cáo Lương nói và cho biết sau đó bị cáo bị tạm giữ rồi đưa về trụ sở Công an thị xã Sơn Tây trong ngày 18/12/2016.

Tại tòa, Hội đồng xét xử nhận định lời trình bày của bị cáo Lương không trùng khớp với lời khai tại cơ quan điều tra. Tuy nhiên, bị cáo Đào Thị Lương giải thích, sau khi bị bắt và cả sau này khi liên tục làm việc với cơ quan điều tra thì “đầu tôi bị bấn loạn”.

Trong khi đó, chị Nguyễn Hồng Nhung (con dâu bị cáo Lương) cho biết, khi ra chợ thì được mẹ buộc hàng lên xe chở đến điểm hẹn. Bên trong có những mặt hàng gì chị Nhung không nắm rõ. Sau đó tổ công tác ập đến kiểm tra và thu giữ những gói mì chính nghi là hàng giả, rồi đưa về trụ sở Công an thị xã Sơn Tây lấy lời khai.

Đề nghị 24 - 30 tháng tù nhưng hưởng án treo

Tiếp tục trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử, bị cáo Đào Thị Lương khai thêm: Chiều ngày 18/12/2016, khi tiến hành khám xét khẩn cấp nhà của bị cáo, cơ quan chức năng đã phát hiện 4 gói mì chính nghi là mì chính giả nên đã tiền hành thu giữ, kí niêm phong.

Trước câu hỏi từ đại diện viện kiểm sát về việc gỡ niêm phong lấy vật mẫu tiến hành giám định, bị cáo Lương và chị Nhung cho biết “không có ai được chứng kiến nên thấy không khách quan”.

Căn cứ vào quá trình xét hỏi công khai tại phiên tòa, đại diện viện kiểm sát Thị xã Sơn Tây cho rằng, bị cáo đã thay đổi lời khai về động cơ, diễn biến phạm tội. Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ cùng tang vật vụ án là phù hợp với thực tế khách quan, có đủ cơ sở kết luận bị cáo phạm tội như cáo trạng truy tố.

“Việc bị cáo Đào Thị Lương buôn bán mì chính giả là hành vi nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm tới trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước; quyền bảo hộ của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất và quyền được bảo vệ về sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng” - đại diện viện kiểm sát khẳng định.

Do đó, cần phải xử lý theo pháp luật để giáo dục và phòng ngừa chung. Cuối bản luận tội, đại diện viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng mức án đối với bị cáo Đào Thị Lương từ 24 - 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Đào Thị Lương chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý trong vụ việc (Ảnh: Nguyễn Trường).
Luật sư bào chữa cho bị cáo Đào Thị Lương chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý trong vụ việc (Ảnh: Nguyễn Trường).

Có dấu hiệu được “hình sự hóa”?

Bước sang phần tranh luận, các luật sư bào chữa cho bị cáo nêu quan điểm, thẩm quyền tố tụng đối với vụ án không thuộc cơ quan chức năng thị xã Sơn Tây vì hành vi phạm tội (nếu có) xảy ra trên địa bàn huyện Ba Vì (Hà Nội).

Đáng chú ý, luật sư cho rằng, quá trình điều tra vụ án có dấu hiệu hợp thức hóa các biên bản điều tra. Các tài liệu có trong vụ án đã chứng minh, Cơ quan điều tra - Công an Thị xã Sơn Tây không thi hành lệnh bắt, lệnh khám xét vào hồi 15h ngày 19/12/2016 đối với bị cáo Lương.

“Theo biên bản ghi lời khai Nguyễn Thị Tuyên (tại bút lục 163-164) do điều tra viên Phước và Thắng ghi thì lấy lời khai vào lúc 13h, kết thúc vào 14h30 ngày 19/12/2016. Như vậy, với cự ly 40km đường nhỏ quanh co từ Công an Thị xã Sơn Tây đến nhà bị cáo thì phải chạy với tốc độ 80km/h mới có mặt vào lúc 15h ở nhà bị cáo để thực hiện lệnh bắt, lệnh khám xét” - luật sư phân tích bất hợp lý.

Bên cạnh đó, các luật sư nhận định kết quả giám định không khách quan khi không có sự chứng kiến của bị cáo hoặc người thân. Việc cơ quan điều tra tách hành vi của bà Nguyễn Thị Tuyên ra khỏi vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Đồng thời, theo Nghị quyết của Quốc hội và quy định của TAND Tối cao về việc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội, bị cáo Lương cần áp dụng theo điều 157, Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý. Cụ thể, các luật sư dẫn văn bản của Bộ Y tế quy định mỳ chính thuộc danh mục phụ gia, không phải thực phẩm. Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 1999 không quy định người buôn bán, sản xuất phụ gia giả là tội phạm. Chính vì thế hành vi này đã được “hình sự hóa” nếu truy tố theo Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 - có hiệu lực từ 0h ngày 1/1/2018.

Sau phần trình bày luận điểm bào chữa của các luật sư, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa. Hôm nay (18/10) phiên tòa sẽ tiếp tục làm việc.

Nguyễn Trường