Đối diện án tù vì trót... mua mì chính giả làm đám cưới cho con trai
(Dân trí) - Mua mì chính về làm đám cưới cho con trai nhưng không sử dụng hết nên bà Đào Thị Lương (Ba Vì, Hà Nội) mang ra chợ bán. Cơ quan công an xác định 28 gói mì chính đó là hàng giả và quyết định khởi tố bà Lương về tội “Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm”.
Theo dự kiến, ngày mai (17/10), TAND Thị xã Sơn Tây (Hà Nội) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Đào Thị Lương (SN 1961, trú tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội “Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” quy định tại khoản 1, điều 193, Bộ luật Hình sự. Đây là phiên tòa sơ thẩm lần thứ 2 của vụ án này.
Cáo trạng xác định, ngày 18/12/2016, khi bà Đào Thị Lương đang bán hàng tại chợ Mộc, xã Minh Quang thì có người phụ nữ tên là Hồng đi xe máy đến hỏi mua hàng.
Sau trao đổi, bị cáo Lương đồng ý bán một số gói mì chính các loại cùng nhiều hàng hóa là đồ khô cho chị Hồng, tổng số tiền là 704.000 đồng. Do xe máy của chị Hồng đang chở nhiều hàng hóa nên đã nhờ bị cáo Lương tìm người chở thuê giúp.
Đúng lúc này, chị Nguyễn Hồng Nhung (con dâu của bị cáo Lương) đến lấy đồ ăn về nấu cơm trưa đã nhận lời chở thuê. Khi đó, người phụ nữ tên Hồng đưa trước 500.000 đồng tiền hàng, số còn lại cùng tiền chở thuê là 100.000 đồng sẽ thanh toán nốt khi đến khu vực Gốc Mít, xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì).
Tuy nhiên, khi tới điểm hẹn chị Hồng tiếp tục nhờ chị Nhung chở hàng tới Tổ 20, phường Xuân Khanh (Thị xã Sơn Tây), đứng đợi ở đó sẽ có người đến nhận hàng và thanh toán tiền. Chị Nhung sẽ được trả thêm 30.000 đồng tiền công.
Thời điểm này, anh Vũ Thanh Xuân (SN 1972, trú tại phường Lê Lợi, Thị xã Sơn Tây) - hành nghề xe ôm - đã đến gặp chị Nhung để nhận hộ hàng của chị Hồng và trả công.
Gặp chị Nhung, anh Xuân tiến hành thanh toán nốt số tiền còn lại và nhận lấy số hàng giúp chị Hồng. Tuy nhiên, khi hai người đang thực hiện giao dịch thì bị tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế - Công an Thị xã Sơn Tây làm nhiệm vụ gần đó kiểm tra và bắt giữ.
Khám xét khẩn cấp nơi ở của bà Đào Thị Lương, cơ quan điều tra tiếp tục phát hiện và thu giữ thêm 4 gói mì chính các loại. Xác định tang vật của vụ án gồm 28 gói mì chính nhãn hiệu Ajnomoto, Miwon có tổng khối lượng khoảng 7,4 kg, cơ quan điều tra đã tiến hành niêm phong. Kết quả trưng cầu giám định toàn bộ số mì chính trên là hàng giả.
Cáo trạng cho biết thêm, đối với người phụ nữ tên là Hồng đến mua hàng, bị cáo Lương không biết cụ thể họ tên, địa chỉ nhưng biết chị này có sử dụng số điện thoại 01638407088. Cơ quan điều tra đã có văn bản đề nghị Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel xác định chủ sở hữu nhưng chưa nhận được kết quả. Vì vậy, cơ quan điều tra tách hành vi của người phụ nữ tên Hồng nói trên để xác minh, làm rõ xử lý sau.
Đối với chị Nhung và anh Xuân, do không biết trong số hàng hóa đã bán cho người phụ nữ tên Hồng có mì chính giả nên cơ quan điều tra không đưa ra hình thức xử lý.
“Hành vi nêu trên của bị can là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước; quyền bảo hộ của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất và quyền được bảo vệ về sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Do đó cần phải xử lý theo pháp luật để giáo dục và phòng ngừa chung” - cáo trạng nêu rõ.
Trước đó, tại phiên toà diễn ra chiều 29/5/2018, bị cáo Đào Thị Lương cho biết, ở thời điểm bị lập biên bản, bà không hề biết số mì chính đó là thật hay giả.
Ban đầu, bà Lương mua số mì chính từ một người tên là Tuyên về làm đám cưới cho con trai. Do không sử dụng hết, bà đã mang một phần ra chợ bán, chỗ còn lại để ở nhà sử dụng. Đến ngày 18/12/2016, tại phiên Chợ Mộc, khi bà chuẩn bị thu dọn đồ để ra về thì gặp người phụ nữ tên Hồng và diễn ra sự việc như trên.
Kết thúc phần xét hỏi của luật sư, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã cho tạm dừng phiên tòa để hội ý. Ít phút sau, chủ tọa phiên tòa cho biết còn nhiều vấn đề cần điều tra làm rõ nên quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Vụ việc này đang thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận địa phương.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Nguyễn Trường