1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Vụ làm giả hài cốt liệt sĩ: Nỗi lòng của thân nhân liệt sĩ!

(Dân trí) - “Cậu Thủy” và các đồng phạm đã nhận một cái kết thích đáng cho những hành vi táng tận lương tâm, trục lợi trên xương máu của các liệt sĩ. Còn nỗi đau đối với người thân các liệt sĩ, bị hại từng bị y lừa bịp thì không dễ gì nguôi ngoai…

Trước khi tuyên bố hình phạt dành cho các bị cáo, vị thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là ông Võ Ngọc Mậu cũng đã nhấn mạnh: Hành vi phạm tội của các bị cáo Nguyễn Văn Thúy và đồng phạm là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, gây căm phẫn cho các tầng lớp nhân dân… Rõ ràng, thiệt hại về vật chất là rất lớn, tuy nhiên, những tổn thất về mặt tinh thần đối với thân nhân các liệt sĩ thì không thể bù đắp được.

Cậu Thủy và các đồng phạm hầu tòa về tội lừa đảo, làm giả hài cốt liệt sĩ
"Cậu Thủy" và các đồng phạm hầu tòa về tội lừa đảo, làm giả hài cốt liệt sĩ

Nỗi lòng của thân nhân liệt sĩ

Được mời đến theo dõi phiên tòa với tư cách là người bị hại, khi nghe đại diện Viện KSND tỉnh công bố bản cáo trạng, trong đó nêu rõ quá trình lừa đảo của Nguyễn Thanh Thúy, Mẫn Thị Duyên và các đồng phạm, phần thẩm vấn của HĐXX và những lời khai của các bị cáo, ông Nguyễn Văn Thắng (ở Hà Đông, Hà Nội) không khỏi bức xúc trước hành vi táng tận lương tâm của “cậu Thủy” và đồng phạm.

Ông Thắng trình bày: Gia đình ông đã nhiều lần đi tìm hài cốt của anh trai là Nguyễn Minh Tuân, hy sinh trong chiến tranh, nhưng không có kết quả. Biết tin “cậu Thủy” có “khả năng đặc biệt” trong việc tìm hài cốt liệt sĩ nên đến nhờ ông này tìm giúp. Sau đó, Thúy nói ông Thắng đưa 15 triệu đồng chi phí. Vài tháng sau thì Thúy bảo đã tìm được mộ liệt sĩ Tuân ở Quảng Nam.

Ông Thắng kể lại việc gia đình mình bị cậu Thủy lừa bịp trong quá trình tìm kiếm hài cốt của người thân
Ông Thắng kể lại việc gia đình mình bị "cậu Thủy" lừa bịp trong quá trình tìm kiếm hài cốt của người thân

“Nhận được thông tin đó, gia đình tôi cảm thấy rất mừng và hy vọng sẽ tìm thấy và đưa được anh về quê sau mấy chục năm. Chúng tôi đã đi cùng với Thúy đến hiện trường được cho là có hài cốt của anh trai. Thúy dặn chúng tôi đi theo hướng Tây Nam, đến khi vấp cái gì hoặc có ai nhập vào thì dừng lại. Vợ tôi bị “nhập vong”, cầm hương đi tìm, một bên là bà Duyên đi kèm. Đến tối thì cất bốc hài cốt, phía trên là đất mềm, đất rắn, rồi đến đất đen. Phần đầu có mũ bộ đội ghi tên, địa chỉ quê hương, huy hiệu của anh tôi nên chẳng ai nghi ngờ. Sau đó chúng tôi đưa hài cốt đó về quê. Khi đi trên xe Thúy bảo trả tiền 120 triệu, nhưng chúng tôi thiếu 10 triệu. Sau chúng tôi trả thêm 3 triệu lễ tạ, 10 triệu lễ trình cho cậu Thủy” - ông Thắng kể.

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Tính (thân nhân của liệt sĩ Nguyễn Văn An), cũng bị Thúy và các đồng phạm bày trò lừa bịp mà không hề hay biết. Chị Tính nói: Bố của chị hy sinh ở Tây Nguyên nhưng sau nhiều năm vẫn chưa tìm thấy mộ để đưa về quê an táng. Chị đã tìm đến nhờ Thúy và sau đó được thông báo đi cùng đoàn đi vào hiện trường cất bốc vì nghe Thúy nói đã “soi thấy” hài cốt của cha mình.

Chị Tính cũng bày tỏ bức xúc, sự hụt hẫng khi đã vội vàng tin vào khả năng tìm mộ của Nguyễn Văn Thúy
Chị Tính cũng bày tỏ bức xúc, sự hụt hẫng khi đã vội vàng tin vào khả năng tìm mộ của Nguyễn Văn Thúy

Chị Tính kể: “Khi vào hiện trường thì em tôi bị “áp vong”, rồi được bà Duyên dẫn đi. Khi đào lên ai cũng trầm trồ vì kỷ vật ghi tên bố tôi, đơn vị C18, E12, F7. Gia đình tôi rất xúc động, chẳng ai nghi ngờ. Nhưng khi các anh công an tìm về thông báo thì ai cũng đau buồn, hụt hẫng bởi khi đưa hài cốt về chúng tôi tổ chức lễ rất long trọng, đầm ấm. Chi phí trả công cho việc tìm kiếm là 100 triệu và đã thanh toán cho ông Thúy”.

Lấy trộm mộ để liệt sĩ vô danh có người... hương khói?

Còn rất nhiều trường hợp thân nhân các liệt sĩ bị “cậu Thủy” và đồng phạm lừa đảo rồi chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Trong cáo trạng cũng đã nêu rằng, Thúy đã chỉ đạo cho đồng phạm vào lấy trộm khoảng 70 bộ hài cốt của các liệt sĩ chưa biết tên tại các nghĩa trang ở: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… rồi sau đó mang đi làm giả.

Từ những hài cốt đã lấy trộm được, các đối tượng đã phân chia thành rất nhiều bộ hài cốt khác để mang đi các nơi làm giả hiện trường nơi chôn cất các liệt sĩ, lừa bịp những thân nhân có liệt sĩ nhưng chưa được quy tập. Những bộ hài cốt được tìm thấy đó, Thúy được phía Ngân hàng CSXH Việt Nam chi trả 75 triệu đồng/mộ. Tổng số tiền Thúy và đồng phạm đã lừa đảo, chiếm đoạt từ các nạn nhân và Ngân hàng hơn 8 tỷ đồng.

Vụ làm giả hài cốt liệt sĩ: Nỗi lòng của thân nhân liệt sĩ! - 4

Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Thúy thừa nhận mọi tội trạng và tỏ ra rất bình thản

Tại phiên tòa, Nguyễn Văn Thúy đã khai nhận: “Xuất phát từ khi đi tìm phần mộ 2 anh tôi, tôi thấy có rất nhiều phần mộ vô danh. Tôi nghĩ rằng linh hồn họ đã siêu thoát nên ngoài động cơ lừa kiếm tiền thì tôi nghĩ hãy đưa họ về cho các gia đình thờ cúng. Vì vậy, tôi đã chỉ đạo đàn em lấy những phần mộ vô danh”.

"Hành vi của Thúy không thể tha thứ"

Theo dõi phiên xét xử sơ thẩm “cậu Thủy” và đồng phạm có hàng trăm người. Ai cũng bày tỏ bức xúc trước những hành vi táng tận lương tâm của các đối tượng. Thúy đã dám bất chấp mọi thủ đoạn, lợi dụng lòng tin của nhiều người, kiếm tiền trên xương cốt của các liệt sĩ – những người đã chiến đấu, hy sinh để mang lại sự độc lập, tự do cho đất nước.

Trong số những người chứng kiến phiên xử có cả các cựu chiến binh. Họ đã mang theo di ảnh của đồng đội mình đến theo dõi quá trình xét xử. Trò chuyện với PV, cựu chiến binh Trần Kiệm (SN 1945) là người đã có nhiều năm tham gia quy tập, cất bốc hài cốt liệt sĩ, cho biết: “Tôi và nhiều đồng đội của tôi đến tham dự phiên tòa hôm nay với mục đích là để xem phiên tòa xét xử như thế nào, thái độ của cơ quan chức năng có làm đúng trách nhiệm hay không, có bỏ sót tội danh của Thúy hay không? Theo tôi thì mức án của Nguyễn Thanh Thúy phải là mức án cao nhất, bởi đối với những kẻ dám bất chấp thủ đoạn xâm phạm đến tâm linh của người chết để kiếm tiền trên xương máu của cha ông, kiếm tiền trên nỗi đau và những giọt nước mắt của người thân những người đã anh dũng chiến đấu như thế thì không có gì để tha thứ cho Thúy được”.

Cựu chiến binh Trần Kiệm chia sẻ suy nghĩ của mình về phiên xét xử
Cựu chiến binh Trần Kiệm chia sẻ suy nghĩ của mình về phiên xét xử

Cựu chiến binh Phạm Văn Nghiêm (SN 1949, ở Hoa Lư, Ninh Bình), nói: ông theo dõi vụ Nguyễn Văn Thúy và đồng phạm từ khi bị bắt đến ngày xét xử. “Hôm nay, tôi muốn đến trực tiếp đây để theo dõi phiên tòa. Để chứng kiến Nguyễn Thanh Thúy và đồng phạm đứng trước vành móng ngựa và bị  trừng trị về những việc làm sai trái của mình”.

Phiên tòa sơ thẩm khép lại với bản án chung thân dành cho Nguyễn Văn Thúy (“cậu Thủy), người đóng vai trò chủ mưu trong kế hoạch lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tổ chức cho đồng phạm lấy trộm, làm giả hài cốt các liệt sĩ.  Các bị cáo Mẫn Thị Duyên bị xử phạt 25 năm tù, Nguyễn Văn Hoành 23 năm tù, Mẫn Đức Phương 18 năm tù, Nguyễn Trường Sơn 15 năm tù, Nguyễn Anh Chiều 5 năm tù.

Sự việc là bài học cho nhiều gia đình cần nêu cao cảnh giác đối với những trò lừa bịp, mê tín dị đoan, nhất là đối với những thân nhân liệt sỹ, những người chưa bao giờ ngừng nghỉ mong muốn được tìm thấy hài cốt của người thân đã ngã xuống vì nền độc lập nước nhà.

Đăng Đức