1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ Hoa hậu Phương Nga: “Phiên tòa đúng tinh thần cải cách tư pháp!”

(Dân trí) - Theo ông Vũ Phi Long, phiên tòa xét xử Hoa hậu Phương Nga vừa qua thể hiện tinh thần cốt lõi của cải cách tư pháp. Diễn biến phiên tòa cho thấy tính dân chủ, công khai qua việc bị cáo, người liên quan, người làm chứng, luật sư được thể hiện tất cả vấn đề, chứng cứ liên quan vụ án một cách khách quan toàn diện.

Ngày 29/6, thẩm phán Vũ Thanh Lâm - chủ tọa phiên tòa, đã quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung; đồng thời quyết định trả hồ sơ điều điều tra làm rõ hàng loạt vấn đề liên quan tới những lời khai của bị cáo, bị hại cũng như nhân chứng.

Ngay sau khi nghe chủ tọa phiên tòa đọc quyết định cho Phương Nga và Thùy Dung được tại ngoại, bên dưới khán phòng vang lên những tiếng vỗ tay. Bà Hồ Mai Phương (mẹ Phương Nga) ôm mặt, khóc nghẹn vì sung sướng…

Hoa hậu Phương Nga tại phiên tòa xét xử.
Hoa hậu Phương Nga tại phiên tòa xét xử.

Vụ án Hoa hậu Phương Nga đang được dư luận quan tâm, ngoài sự tham gia đưa tin đông đảo của báo chí, người dân cũng kéo đến để dự khán, không ngày xử nào còn chỗ ngồi.

Mọi diễn biến kịch tính liên quan đến các lời khai của bị cáo, bị hại tại phiên tòa như khi Phương Nga phát biểu thẳng thừng về “hợp đồng tình cảm” hay khi đại gia Cao Toàn Mỹ trả lời thẩm vấn sơ hở đều được người dự khán theo dõi, phản ứng ngay tại tòa. Đặc biệt, chưa bao giờ có một “bị hại” lại bị dư luận đối xử “hà khắc” như trong vụ án này.

Liên quan tới vấn đề này, ông Vũ Phi Long (nguyên Chánh án Tòa Hình sự TAND TPHCM) cho biết: “Theo tôi, phiên tòa thể hiện tinh thần cốt lõi của cải cách tư pháp. Diễn biến phiên tòa cho thấy tính dân chủ, công khai qua việc bị cáo, người liên quan, người làm chứng, luật sư được thể hiện tất cả vấn đề, chứng cứ liên quan vụ án một cách khách quan toàn diện, không gò ép, không hạn chế mà mở rộng, tạo điều kiện cho họ được phát biểu, trình bày, được quyền cung cấp và giao nộp chứng cứ cho tòa”.

Ông đánh giá thêm: “Chủ tọa thể hiện bản lĩnh trong điều khiển phiên tòa, đi đúng trọng tâm, tạo điều kiện và mở rộng không gian tranh tụng để các bên cọ xát các chứng cứ, lý luận thực tiễn và sau đó là giải quyết triệt để các tài liệu và chứng cứ phát sinh bằng quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung”.

“Trong vụ án này luật sư của các bên đã làm hết sức mình nhằm làm sáng tỏ nhiều tình tiết không thể hiện trong hồ sơ. Các diễn biến tại phiên tòa vừa thể hiện phiên xử đảm bảo tranh tụng, chứ không phải án tại hồ sơ (tức không phải hồ sơ có sao xử vậy). Các luật sư đã nỗ lực đi tìm kiếm những chứng cứ mới của vụ án và tất cả những chứng cứ tài liệu này đã được HĐXX niêm phong. Đây là vụ án mà tại tòa phát sinh nhiều tình tiết, chứng cứ quan trọng mà cơ quan điều tra, viện kiểm sát chưa làm rõ mà HĐXX đã điều tra, thu thập từ chính các bị cáo, người làm chứng và luật sư hai bên. Từ đó chứng minh được cho toàn xã hội và hệ thống tư pháp rằng tình trạng án tại hồ sơ đã chấm dứt từ khi không gian tranh tụng được bảo đảm”, ông Long nhấn mạnh thêm.

Khi được hỏi về vai trò của kiểm sát viên trong vụ án này, ông Long thẳng thắn chia sẻ: “Tôi rất tiếc phải nói rằng kiểm sát viên trong vụ án này còn mờ nhạt và thụ động, chưa phát huy được chức năng giữ quyền công tố. Mọi vấn đề đều do các bên chủ động, tạo ra diễn biến, kịch tính, bất ngờ chứ không do kiểm sát viên đưa ra”.

Xuân Duy