1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam

Vụ "hô biến" tiền tiết kiệm thành bảo hiểm: Bộ Công an đặt ra nhiều vấn đề

Hải Nam

(Dân trí) - Lãnh đạo Cục C03 Bộ Công an khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, không nên chỉ thấy lãi suất cao mà ký hợp đồng, trong khi chưa hiểu rõ những ràng buộc đằng sau.

Sáng 30/6, tại họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác công an 6 tháng đầu năm 2023, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - C03, Bộ Công an) thông tin về diễn biến điều tra vụ hàng trăm người dân gửi đơn tố cáo Công ty bảo hiểm Manulife và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) "hô biến" tiền gửi tiết kiệm của khách thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí, lãnh đạo Cục C03 cho biết, quá trình điều tra vụ án trên, cơ quan chức năng tiếp nhận nhiều đơn tố cáo của nhà đầu tư. 

Đối với tố cáo "hô biến" tiền gửi tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, theo Thiếu tướng Thành, khi tiếp nhận tố cáo và nghiên cứu, Cục C03 nhận thấy các hợp đồng chuyển từ sổ tiết kiệm sang gói bảo hiểm của Manulife đều rất minh bạch. Trong các hợp đồng, Thiếu tướng Thành cho biết đều có chữ ký của nhà đầu tư.

Vụ hô biến tiền tiết kiệm thành bảo hiểm: Bộ Công an đặt ra nhiều vấn đề - 1

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an (Ảnh: Hải Nam).

Trước vấn đề này, Cục C03 đặt ra nhiều vấn đề để xác minh, như: Có hay không việc lãnh đạo SCB chỉ đạo nhân viên ngân hàng tuyên truyền cho khách hàng chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang gói bảo hiểm?; Có hay không việc nhân viên ngân hàng sử dụng "nghiệp vụ" để khiến người dân chuyển hợp đồng?...

Theo Tướng Thành, Cục C03 thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, xác minh vụ việc. 

Tuy nhiên, vị lãnh đạo cũng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, không nên chỉ thấy lãi suất cao mà ký hợp đồng, trong khi chưa hiểu rõ những ràng buộc đằng sau.

Trước đó, Dân trí đã có loạt bài thông tin nhiều khách hàng phản ánh đến Ngân hàng SCB để gửi tiết kiệm nhưng bị nhân viên tư vấn mập mờ để dẫn dụ sang sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Manulife, bị khai khống mức lương lên gần cả trăm triệu đồng mỗi tháng.

Ngày 19/4, Báo Dân trí chuyển hơn 320 đơn tố cáo của người dân về việc họ bị lừa từ gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn thành mua bảo hiểm Manulife, đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - C03, Bộ Công an.

Vụ hô biến tiền tiết kiệm thành bảo hiểm: Bộ Công an đặt ra nhiều vấn đề - 2

Người dân mang đơn tố cáo bảo hiểm Manulife và Ngân hàng SCB tới Công an TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Trao đổi với phóng viên Dân trí bên lề cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết, nội dung tố cáo là các cá nhân gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB khi đến thời hạn tất toán, đã được các nhân viên Ngân hàng SCB tư vấn sai sự thật, mời gọi khách hàng chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang các gói đầu tư sinh lời cao do SCB phát hành. Hình thức này được tư vấn tương tự gửi tiết kiệm, nhưng thực chất là hợp đồng bảo hiểm với Manulife Việt Nam.

Lúc này, khách hàng không thực hiện được việc rút tiền, và nếu không đóng tiền tiếp trong 60 ngày, số tiền đầu tư trước đó sẽ bị mất.

Do vậy, các cá nhân này cho rằng Ngân hàng SCB đã móc nối với Công ty Manulife có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm của khách hàng.

Cũng theo Tướng Xô, tính đến 31/5, đơn vị này đã tiếp nhận 6.060 khiếu nại về hợp đồng bảo hiểm. Số khiếu nại Manulife đã hoàn thành giải quyết là 3.553 hợp đồng.

"Manulife đã hoàn trả một số lượng tiền khá lớn với hơn 800 tỷ đồng và đang giải quyết 2.507 hợp đồng có khiếu nại", Trung tướng Tô Ân Xô cho biết.