Vụ gian lận điểm thi ở Sơn La: Chủ yếu cán bộ nhờ nâng điểm cho thí sinh
(Dân trí) - Những người nhờ nâng điểm tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 cho 44 thí sinh ở Sơn La phần lớn là cán bộ, công chức đang công tác tại địa phương này.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Sơn La, tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở Sơn La, các bị can gồm: Trần Xuân Yến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La; Nguyễn Thị Hồng Nga - Chuyên viên phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La); Lò Văn Huynh - Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La); Đặng Hữu Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu (TP Sơn La, tỉnh Sơn La); Cầm Thị Bun Sọn - Phó trưởng phòng chính trị-tư tưởng Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La; Nguyễn Thanh Nhàn - Phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La); Đinh Hải Sơn và Đỗ Khắc Hưng - cán bộ phòng bảo vệ chính trị nội bộ (PA83 nay là PA03) được phân công chấm thi, bảo vệ phòng thi và phòng để bài thi.
Trước và trong khi chấm thi, 8 bị can trên thông qua các mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè, người thân, với động cơ vụ lợi đã nhận thông tin của các thí sinh như: họ tên, số báo danh, số phòng thi, mã đề thi, môn thi và điểm thi các môn cần đạt được... của 44 thí sinh để nâng điểm.
Theo cáo trạng, các bị can trên đã cấu kết nhận thông tin của 44 thí sinh để tìm bài thi, sửa theo hướng nâng từ 2 đến 6,55 điểm/thí sinh. Đáng chú ý, chính các lãnh đạo khác của Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cũng chuyển thông tin thí sinh cho các bị can để nâng điểm.
Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La đưa cho cấp dưới danh sách 8 thí sinh nhờ nâng điểm
Theo cáo trạng, trước khi chấm thi, thông qua mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè, người thân, Trần Xuân Yến đã nhận thông tin của 15 thí sinh để giúp nâng điểm, cụ thể:
Ngày 28/6/2018, Trần Xuân Yến nhận của ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La 2 tờ danh sách ghi thông tin của 8 thí sinh nhờ nâng điểm. Cùng ngày, Yến nhận của ông Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng phòng giáo dục trung học (Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) danh sách của 4 thí sinh nhờ nâng điểm (trong đó có 2 thí sinh cũng nằm trong danh sách mà ông Hoàng Tiến Đức đã đưa cho Yến). Tiếp đến, bị can Yến còn nhận của ông Phan Ngọc Sơn - Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La thông tin 1 thí sinh nhờ nâng điểm.
Ngoài ra, Trần Xuân Yến còn nhận của ông Nguyễn Văn Hải (ở huyện Mai Sơn - tỉnh Sơn La) thông tin 2 thí sinh nữa nhờ nâng điểm.
Tương tự, cáo trạng cũng chỉ rõ, các bị can Nguyễn Thị Hồng Nga, Lò Văn Huynh, Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn, Nguyễn Thanh Nhàn, Đinh Hải Sơn, Đỗ Khắc Hưng cũng nhận thông tin danh sách nhiều thí sinh nhờ nâng điểm. Người đưa danh sách những thí sinh này phần lớn là cán bộ, công chức đang công tác tại Sơn La như: bị can Nguyễn Thị Hồng Nga nhận từ ông Nguyễn Duy Hoàng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La thông tin 1 thí sinh để nâng điểm các môn Sử, Địa; ông Nguyễn Ngọc Hà – Trưởng phòng Giáo dục THPT chuyển thông tin 10 thí sinh… Tuy nhiên, các lãnh đạo này hiện nay không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Khoa – nguyên Phó phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La cũng chuyển cho Đinh Hải Sơn, Đỗ Khắc Hưng (đều là sĩ quan, được phân công bảo vệ khu chấm thi) thông tin 2 thí sinh tên Thành, Hiếu để nhờ nâng điểm.
Tiếp đến, 2 bị can Sơn - Hưng đặt vấn đề với Nguyễn Thị Hồng Nga nâng điểm cho Thành đạt mức Toán và Tiếng Anh cùng 9,8 điểm; Hiếu đạt 9,0 điểm Toán. Nhân dịp này, Sơn cũng đề nghị nâng điểm cho em vợ mình đạt Toán, Tiếng Anh cùng 9,8 điểm. Ngoài ra, ông Khoa còn nhờ Lò Văn Huynh nâng điểm cho 2 thí sinh khác.
Chuyển thông tin thí sinh để... nhờ xem điểm trước!
Quá trình điểu tra, bị can Nguyễn Thị Hồng Nga khai đã cầm 1,04 tỷ đồng để nâng điểm cho 4 thí sinh; Cẩm Bun Sọn khai đã nhận 440 triệu đồng để nâng điểm cho 1 thí sinh; Lò Văn Huynh khai nhận 1 tỷ đồng nâng điểm cho 2 trường hợp; Đặng Hữu Thủy khai đã cầm 500 triệu đồng…
Hành vi này của các bị can có dấu hiệu phạm vào các tội liên quan hối lộ. Ngược lại, những người “đưa tiền” nhất quyết không thừa nhận đã “giao dịch” vật chất với các bị can nên cơ quan điều tra không thể truy cứu các tội đưa – nhận – môi giới hối lộ. Tuy nhiên, cáo trạng vụ án vẫn khẳng định: “Số tiền Nga, Sọn, Huynh, Thủy nhận từ các đối tượng được xác định do vụ lợi mà có”.
Liên quan vụ án, cơ quan tố tụng cũng làm việc với 18 người trung gian chuyển thông tin thí sinh cần nâng điểm cho các bị can. Tuy nhiên, những người này khai chuyển tin nhằm mục đích “nhờ xem điểm trước” với động cơ xuất phát từ quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, người thân… hoàn toàn không bàn bạc, thỏa thuận về lợi ích vật chất. Tương tự, rất nhiều phụ huynh, thí sinh trong số 44 trường hợp được nâng điểm ở Sơn La cũng khẳng định chỉ nhờ xem điểm trước.
Các bị can Trần Xuân Yến – nguyên Phó GĐ Sở GD&ĐT Sơn La; Lò Văn Huynh - Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (phòng khảo thí); Nguyễn Thị Hồng Nga - chuyên viên Phòng khảo thí; Cầm Bun Sọn - Phó trưởng Phòng chính trị Sở GD&ĐT; Đặng Văn Thủy - Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu; Đinh Hải Sơn – nguyên thiếu tá công an bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Khoản 2, Điều 356 BLHS với khung hình phạt từ 5 – 10 năm tù.
Cùng tội danh, Nguyễn Thanh Nhàn - Phó phòng khảo thí và Đỗ Khắc Hưng – nguyên trung tá công an bị truy tố theo khoản 1 với khung hình phạt 1 – 5 năm tù.
Nguyễn Dương