Vụ con trai hại chết mẹ: Phiên tòa không có lòng thù hận

TAND TP Đà Nẵng vừa mở phiên tòa xét xử lưu động sơ thẩm vụ án con trai hại chết mẹ bằng xăng. Một phiên tòa không có lòng thù hận ghen ghét nhưng bao trùm một không khí đau thương...

Khi bị cáo bước xuống xe và vào căn phòng xét xử người ta đã thấy cặp mắt ngấn nước của y. Nhiều tiếng thút thít cũng bắt đầu phát ra từ những người ngồi hàng ghế dự khán. Họ chỉ biết nhìn nhau và khóc… Giá như chị em họ biết ngồi lại với nhau, biết phân tích, lắng nghe để thấy được điều đúng sai thì mọi chuyện không đến cơ sự này. Giá như trong mỗi người họ biết kiềm lòng mình thì chắc chắn họ sẽ không phải mất đi một người mẹ. Họ không phải chứng kiến anh, em mình phải vướng vào vòng lao lý và hơn cả là những người con của bị cáo sẽ không phải sống cảnh thiếu cha khi bấy lâu đã vắng tình thương yêu của mẹ…

Phạm nhân Trần Minh Công khóc ròng khi dẫn ra xe về lại trại giam. Ảnh: T.G
Phạm nhân Trần Minh Công khóc ròng khi dẫn ra xe về lại trại giam. Ảnh: T.G

Cơ sự từ người vợ… hư

Bắt đầu phiên tòa và cả quá trình xét xử, Trần Minh Công (SN 1969, thôn Đại La, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) luôn khóc. Khuôn mặt hốc hác của bị cáo trông già đi nhiều so với tuổi. Có lẽ những ngày qua đối với Công đã là một cực hình khi biết được sự thật mình đã mãi mất đi người mẹ.

Cuộc đời của bị cáo vốn đã sớm gắn với những nỗi buồn. Xây dựng gia đình trong hoàn cảnh khó khăn chật vật, cuộc sống của vợ chồng bị cáo luôn phải đối mặt với sóng gió. Rồi người vợ bỏ đi, để lại hai đứa con nhỏ cho Công. Gà trống nuôi con, được cha mẹ anh em thương yêu nên cuộc sống mấy cha con cũng dần ổn. Nhưng người đàn bà đó đột nhiên quay trở về cùng với một đứa con riêng. Lòng bao dung của bị cáo đã đón người vợ trở lại tổ ấm của mình với suy nghĩ không phải để làm niềm vui cho bản thân mà giành lại tình yêu đó cho hai đứa con gái.

Người đàn bà đó quay về, trong căn nhà bé nhỏ đó ít nhiều cũng có niềm vui, thế nhưng lòng tin yêu của các anh chị em trong gia đình đối với vợ Công thì đã giảm. Vậy nên khi nghe Công đề nghị tách đất để làm “sổ đỏ” riêng cho gia đình, mọi người đặc biệt là chị Mai (chị gái Công) đã ra sức phản đối. Chị sợ một khi tách “sổ đỏ” thì vợ Công sẽ đem cầm cố rồi lại bỏ đi, hai cháu gái của chị sau này sẽ trắng tay.

Buổi trưa định mệnh

Đứng trước tội danh giết người được quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị mức án 10 đến 12 năm đối với bị cáo Công. Sau khi cân nhắc, Tòa đã tuyên bị cáo 9 năm tù giam về tội “giết người”. Bị cáo òa khóc, lê những bước chân đau đớn bước đi với sự trợ giúp của các chiến sĩ làm nhiệm vụ. Bị cáo lên xe, nhiều người quay mặt vén áo lau nước mắt…

Công khóc ròng khi kể lại câu chuyện đau lòng, đó là khoảng 11h ngày 26/4/2011, Công nhận được điện thoại của vợ phàn nàn vì chị Mai gọi điện chửi Vân về việc cố ý tranh giành đất đai. Công bực tức điện chị Mai hẹn gặp mặt để nói chuyện.

Khi về nhà, thấy xe hết xăng, Công đã ra quán tạp hóa mua 3 lít xăng về đổ vào xe 2,5 lít còn lại 0,5 lít đổ vào bao nilon. Tại nhà của mình, khi nghe chị Mai to tiếng Công càng bực tức nên cầm bịch nilon có chứa xăng ném xuống đất khiến bịch xăng vỡ loang ra nền. Rồi Công rút máy lửa châm với mục đích hù dọa chị Mai. Ngọn lửa bùng cháy, mọi người chạy thoát ra ngoài. Khi nghe chị Mai bảo còn mẹ ở trong đó, Công mới biết là có mẹ ở bên trong và đã hai lần vào cứu mẹ nhưng không được.

Đến lần thứ ba, khi vào được bên trong cứu mẹ thì ngọn lửa đã trùm lấy bà và bà đã trút hơi thở cuối cùng ở bệnh viện. Bản thân Công cũng đã bị bỏng nặng ở chân, tay và lưng. Tại phiên tòa hôm ấy, vì sức khỏe còn yếu nên Công được phép ngồi để trả lời HĐXX. Khi được HĐXX hỏi thăm sức khỏe, Công chỉ biết khóc. Bởi Công biết rằng, những vết thương trên cơ thể mình rồi sẽ lành theo thời gian nhưng vết thương lòng thì sẽ hằn mãi mãi.

Phiên tòa chùng hẳn xuống khi bị cáo nghẹn ngào úp mặt xuống đầu gối, rồi ôm lấy ngực và tiếng khóc cứ thế bật to. Bị cáo khóc vì tội lỗi mình gây ra, bị cáo khóc vì đã giết chết mẹ của mình chỉ vì sự nóng giận. Tất cả anh chị em của Công đều khẩn thiết cầu xin HĐXX xem xét giảm mức hình phạt để Công sớm trở về chăm con. Và họ cũng nghẹn ngào cho biết thêm từ khi Công vào trại tạm giam thì vợ Công lại tiếp tục bỏ con mà đi.

Nhìn người đàn ông co rúm vì đau khổ ngồi trước vành móng ngựa, trả lời đứt đoạn từng câu hỏi từ HĐXX, những người dự khán đều xúc động. Họ thương bị cáo nhiều hơn là trách. Thương cho người đàn ông hiền lành, một đời cực khổ giờ lại phải chịu cảnh tù đày khi tuổi không còn trẻ. Và hơn hết họ hiểu và chia sẻ với nỗi đau mà Công đang mang, nỗi đau con giết mẹ!

Theo Đức Hoàng - Mạnh Cường

Giadinh.net