Vụ chạy thận tử vong: Công ty Thiên Sơn nói không có trách nhiệm bồi thường
(Dân trí) - Tại tòa, đại diện Công ty Dược phẩm Thiên Sơn khẳng định không có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân trong vụ chạy thận làm 9 người tử vong xảy ra tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017. Số tiền 370 triệu đồng Thiên Sơn chuyển cho bệnh viện này chỉ nhờ để “hỗ trợ tình cảm” cho các nạn nhân.
Trong ngày thứ 6 xét xử sơ thẩm vụ án nói trên tại Tòa án Nhân dân TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương – đại diện cho Công ty Dược phẩm Thiên Sơn (gọi tắt là Công ty Thiên Sơn) cho biết, ngày 25/5/2017, Công ty Thiên Sơn và BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình có ký hợp đồng sửa chữa hệ thống máy chạy thận tại Đơn nguyên thận nhân tạo của bệnh viện này. Hợp đồng có 10 nội dung, trong đó có nội dung Công ty Thiên Sơn sau khi sửa chữa xong phải lấy mẫu nước đi xét nghiệm theo tiêu chuẩn AAMI.
Ngay sau ký hợp đồng xong với BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, người của Thiên Sơn đã thông báo qua điện thoại cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc (lúc đó là Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) biết các nội dung hợp đồng mà Thiên Sơn đã ký với BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, và đề nghị Quốc sáng 28/5/2017 đến bệnh viện này để thực hiện các điều khoản trong hợp đồng. Ngay sau đó, Thiên Sơn và Trâm Anh đã ký hợp đồng với nhau, nội dung là để phía Trâm Anh thực hiện các nội dung mà Thiên Sơn đã ký với BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình – được hiểu theo nghĩa thông thường là Công ty Thiên Sơn “bán cái” hợp đồng cho Công ty Trâm Anh để “ăn” chênh lệch.
Bà Hương khẳng định tại tòa, việc bán lại hợp đồng cho Công ty Trâm Anh là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, trước đây Bùi Mạnh Quốc cũng đã là đối tác thân quen với Thiên Sơn trong lĩnh vực này nhiều năm.
HĐXX hỏi bà Hương: “Sáng ngày 28/5/2017, Quốc đến BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình sửa chữa với tư cách đại diện cho đơn vị nào?". Bà Hương trả lời: “Quốc đến với tư cách là người của Thiên Sơn”.
“Ngày 28/5/2017, Thiên Sơn đã hoàn thành công việc sửa chữa như ký kết hợp đồng với BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình chưa?” – HĐXX hỏi. “Ngày 28/5/2017, Thiên Sơn chưa kết thúc công việc sửa chữa vì còn phải lấy mẫu nước đi xét nghiệm theo tiêu chuẩn AAMI, sau khi có kết quả mẫu nước mới chấm dứt hợp đồng và bàn giao bằng văn bản có đại diện 3 bên gồm: Công ty Thiên Sơn, Phòng Vật tư-Trang thiết bị y tế bệnh viện và Đơn nguyên thận nhân tạo bệnh viện” – bà Hương trả lời.
Chính vì thế, bà Hương khẳng định Công ty Thiên Sơn không có trách nhiệm trong việc để xảy ra sự cố nghiêm trọng trên.
HĐXX hỏi, số tiền 370 triệu đồng mà Công ty Thiên Sơn chuyển cho BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình để làm gì? Bà Hương cho biết, ngay sau khi sự cố xảy ra, chưa biết là trách nhiệm của bên nào, vì Công ty Thiên Sơn cũng có máy chạy thận đặt ở BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, giám đốc cũng thường xuyên lên và gặp gỡ các bệnh nhân nên về mặt tình cảm, Thiên Sơn đã chuyển cho bệnh viện với số tiền là 370 triệu đồng ghi rõ “nhờ bệnh viện chuyển để hỗ trợ đến gia đình các nạn nhân, nói rõ là Thiên Sơn hỗ trợ”.
“Tuy nhiên, sau đó được biết số tiền này chưa chuyển đến cho gia đình các nạn nhân, bệnh viện có thông báo cho Công ty Thiên Sơn biết đã chuyển số tiền này vào cơ quan thi hành án dân sự. Đó là số tiền hỗ trợ, chứ không phải trách nhiệm Thiên Sơn phải bồi thường” – bà Hương nói.
HĐXX đặt vấn đề “giả sử, sau này trách nhiệm phải bồi thường, thì số tiền 370 triệu đồng Thiên Sơn sẽ làm gì?”. Bà Hương quả quyết: “Công ty vẫn giữ nguyên quan điểm là hỗ trợ, còn trách nhiệm sau này đến đâu công ty sẽ có ý kiến theo quy định của pháp luật. Nếu được, cho công ty xin lại để hỗ trợ trực tiếp cho các nạn nhân”.
Theo cáo trạng, ngay sau sự cố, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã tự nguyện hỗ trợ số tiền ban đầu cho 8 nạn nhân tử vong là 20 triệu đồng /1 người (8 người x 20 triệu = 160 triệu) và 2 triệu đồng/1 người đối với 10 bệnh nhân còn lại (10 người x 2 triệu = 20 triệu). Tổng cộng là 180 triệu đồng. Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn còn nộp số tiền là 660 triệu đồng để hỗ trợ khắc phục hậu quả cho các nạn nhân (BVĐK tỉnh là 290 triệu đồng; Công ty Thiên Sơn 370 triệu đồng). Hiện nay, số tiền 740 triệu đồng đã được chuyển cho Cơ quan thi hành án dân sự.
Tại tòa, ông Đỗ Đình Vận – Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, phía bệnh viện chưa nhận trách nhiệm phải bồi thường, mà đó chỉ là số tiền hỗ trợ ban đầu cho các gia đình nạn nhân vì còn chờ phán quyết cuối cùng của tòa.
Nguyễn Dương – Trần Thanh