1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Vụ buôn lậu “siêu xe”: 5 Việt kiều Mỹ chỉ bị… phạt tiền

(Dân trí) - Theo HĐXX các bị cáo không hưởng lợi và chỉ làm theo chỉ đạo từ những người cầm đầu đường dây, họ thiếu hiểu biết pháp luật Việt Nam nên đồng ý đứng tên hồ sơ nhập khẩu xe hơi. Hiện nay các bị cáo không có việc làm và đang nhận hỗ trợ thất nghiệp của Mỹ. Vì vậy, HĐXX quyết định phạt tiền thay phạt tù các bị cáo.

Tối 4/6, TAND TPHCM đã tuyên phạt Bùi Lê Việt Khôi (Kenny Khôi, sinh năm 1983, nguyên trưởng phòng kinh doanh ô tô công ty Dương Đông - Sài Gòn) mức án 3 năm 7 tháng 9 ngày tù về tội buôn lậu.

Đáng chú ý các bị cáo Đậu Ngọc Tố, Hàn Quang Án, Nguyễn Minh Hiếu, Võ Thị Huyền Trinh và Nguyễn Đức Thắng (các bị cáo đều là Việt kiều Mỹ) bị tuyên phạt 300 triệu đồng thay cho hình phạt tù.

Trước đó, các bị cáo này bị đề nghị mức án từ 2- 5 năm tù về tội buôn lậu. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng các bị cáo không hưởng lợi và chỉ làm theo chỉ đạo từ những người cầm đầu đường dây, họ thiếu hiểu biết pháp luật Việt Nam nên đồng ý đứng tên hồ sơ nhập khẩu xe hơi. Hiện nay các bị cáo không có việc làm và đang nhận hỗ trợ thất nghiệp của Mỹ. Vì vậy, HĐXX quyết định phạt tiền thay phạt tù các bị cáo.

Các bị cáo nguyên là Công an xã huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng bị tuyên phạt mức án từ 1 năm 6 tù treo đến 4 năm tù.

Bị xác định cầm đầu đường dây, song Helena Phạm, Mai Thị Ái, Nguyễn Nhất Lĩnh (Việt kiều Mỹ) đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra truy nã, xử lý sau.

Vụ buôn lậu “siêu xe”: 5 Việt kiều Mỹ chỉ bị… phạt tiền - 1
Các bị cáo tại tòa.

Tại phiên tòa, bị cáo Khôi khai bị cáo quen Helena Phạm khi du học tại Mỹ. Năm 2012, nữ Việt kiều này trở thành giám đốc một công ty chuyên mua bán ô tô từ Mỹ về Việt Nam. Helena Phạm đề nghị Khôi tìm thuê Việt kiều đứng tên nhập khẩu xe, làm thủ tục nhập hộ khẩu thường trú, xin cấp phép nhập khẩu, làm thủ tục đăng ký đăng kiểm, mở tờ khai nhập khẩu và tìm người bán xe. Mỗi công đoạn thành công, Helena Phạm trả Khôi 10 triệu đồng.

Các bị cáo là nguyên công an xã khẳng định bản thân kí giấy tờ vì quen biết, nể nang một người cấp trên chứ không hưởng lợi.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định người cầm đầu đường dây đã lợi dụng quy định người Việt định cư tại nước ngoài được miễn thuế khi nhập khẩu về nước một ô tô đang sử dụng. Các đối tượng thỏa thuận với Việt kiều sinh sống tại Mỹ về việc nhập khẩu xe hơi theo diện hồi hương nhằm thu lợi bất chính. Qua đó, đường dây này nhập lậu 17 xe hơi với nhiều chủng loại như Land Rover, Lexus, Audi, BMW... trị giá gần 51,2 tỉ đồng. Để hợp thức hóa việc hồi hương giả tạo, Helena Phạm nhờ nhiều cán bộ công an xã Lộc Thành, Lộc Quảng, Lộc An và Lộc Lâm (huyện Bảo Lâm) làm hồ sơ thường trú cho 17 Việt kiều Mỹ. Những cán bộ công an này còn xác nhận đơn xin phép nhập khẩu 14 xe hơi theo diện hồi hương.

Hàng loạt công an buôn lậu siêu xe

Bị cáo Khôi là mắt xích quan trọng giữa Helena Phạm cùng các đồng phạm khác của vụ án. Trong quá trình điều tra Khôi đã nộp lại 1 tỉ đồng tiền thu lợi bất chính.

Các bị cáo nguyên là công an xã thực hiện hành vi vì nể nang cấp trên, không được hưởng lợi. Nhưng các bị cáo đã xác nhận các đơn xin phép nhập khẩu 14 ô tô theo diện hồi hương. Vì vậy, các bị cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội.

Đối với bị cáo là Việt kiều không hưởng lợi và chỉ làm theo chỉ đạo từ những người cầm đầu đường dây, họ thiếu hiểu biết pháp luật Việt Nam nên đồng ý đứng tên hồ sơ nhập khẩu xe hơi. Hiện nay các bị cáo không có việc làm và đang nhận hỗ trợ thất nghiệp của Mỹ. Vì vậy, HĐXX quyết định phạt tiền thay phạt tù các bị cáo.

Trong vụ án này, hầu hết các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, gia đình có công với cách mạng, nộp lại tiền thu lợi bất chính. Từ đó, HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Ngoài trách nhiệm hình sự, Khôi cùng các đồng phạm có trách nhiệm liên đới bồi thường hơn 7 tỉ đồng.

Trong quá trình xét xử, HĐXX đã từng trả hồ sơ để làm rõ vai trò của các cán bộ hải quan TPHCM và Công an tỉnh Lâm Đồng, tuy nhiên quá trình điều tra bổ sung chưa làm rõ. Do phạm vi xét xử nên HĐXX quyết định kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo quy định.

Liên quan tới vấn đề phạt tiền thay phạt tiền. Một thẩm phán TAND TPHCM  cho biết BLHS 2015 mở rộng phạm vi các trường hợp có thể áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính. Tuy nhiên, điều kiện để được áp dụng hình phạt tiền luật chưa quy định, dẫn đến có thể sẽ bị áp dụng chưa phù hợp, không có tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do bộ luật này quy định; người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do bộ luật này quy định.

Xuân Duy