Vụ án biển thủ hơn 3,8 triệu USD: TGĐ Dược Cửu Long kháng cáo

Hải Nam

(Dân trí) - Ngoài 3 bị cáo nộp đơn xin giảm nhẹ hình phạt, Công ty Dược Cửu Long cũng có đơn kháng cáo liên quan đến trách nhiệm dân sự.

Chiều 15/2, TAND TP Hà Nội nhận đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của một số bị cáo và các bên liên quan trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long.

Cụ thể, bị cáo Lương Văn Hóa (65 tuổi, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long), Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu kế toán trưởng) và Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ phó Kế hoạch Tài chính) nộp đơn xin giảm nhẹ hình phạt.

Trong khi đó, Công ty Dược Cửu Long và một số bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có đơn kháng cáo đối với trách nhiệm dân sự sau phiên tòa sơ thẩm.

Vụ án biển thủ hơn 3,8 triệu USD: TGĐ Dược Cửu Long kháng cáo - 1

Bị cáo Lương Văn Hóa.

Trước đó, 24/11, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Hóa 9 năm tù, bị cáo Hải 6 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", bị cáo Nguyễn Nam Liên lĩnh 24 tháng tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Về dân sự, nhóm bị cáo tại Bộ Y tế đã nộp khắc phục hơn 1,9 tỷ đồng, bị cáo Lương Văn Hóa nộp 1,5 tỷ đồng. HĐXX cho biết số tiền này sẽ được trừ vào khoản mà Dược Cửu Long phải bồi thường cho Bộ Y tế. Như vậy, Dược Cửu Long còn phải nộp khắc phục hơn 58 tỷ đồng.

Theo cáo buộc, từ tháng 2 đến tháng 4/2006, Công ty Dược Cửu Long nhập 520 kg nguyên liệu Oseltamivir từ Công ty Mambo (Singapore) với giá hơn 9 triệu USD.

Trong đó, Dược Cửu Long đã thanh toán cho Mambo 5,25 triệu USD, còn lại 3,848 triệu USD được trả chậm sáu tháng kể từ ngày nhận hàng. Lúc này, ông Cao Minh Quang (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế) là Trưởng ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan đến thuốc Tamiflu và Oseltamivir.

Ông Quang bị cáo buộc đã không chỉ đạo kiểm tra khi Trưởng đoàn Nguyễn Việt Hùng báo cáo việc Dược Cửu Long chưa thanh toán 3,8 triệu USD, dù Bộ Tài chính, Bộ Y tế có chỉ đạo kiểm tra.

Về phía Dược Cửu Long, bị cáo Lương Văn Hóa không trả hơn 3,8 triệu USD cho Công ty Mambo nhưng cũng không báo cáo hay trả lại số tiền này cho Bộ Y tế. Bị cáo này khai nhận đã sử dụng hơn 3,8 triệu USD để thanh toán lãi, nợ ngân hàng của công ty.

Đại diện VKS cho rằng trách nhiệm khi để những sai phạm trên xảy ra là do các cá nhân của Bộ Y tế thiếu trách nhiệm, không thực hiện đủ chức trách được giao. Cơ quan tố tụng đánh giá lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai trong tài liệu hồ sơ.

Trong nhóm bị cáo bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", VKS nhận định Lương Văn Hóa là người giữ vai trò chính, có trách nhiệm cao nhất. Các bị cáo còn lại bị VKS xác định có vai trò đồng phạm với bị cáo Hóa.

Đối với các bị cáo tại Bộ Y tế, kiểm sát viên TP Hà Nội cho rằng bị cáo Cao Minh Quang đã không làm hết chức trách được giao, các bị cáo còn lại thiếu trách nhiệm, chưa làm hết chức trách nhiệm vụ được giao trong việc kiểm tra, làm rõ số tiền 3,8 triệu USD mà Công ty Dược Cửu Long giữ nhưng không trả lại Bộ Y tế.

Trong bản án sơ thẩm, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang lĩnh 30 tháng tù treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".