1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Vụ án AIC: Một bị cáo gửi đơn từ Mỹ xin xử vắng mặt

Hải Nam

(Dân trí) - "Trước khi xác minh vụ án, khởi tố vụ án, bị cáo Thuyết đã xuất cảnh sang Mỹ để giám hộ cho việc học của con trai. Từ Mỹ, bị cáo đã gửi đơn tới HĐXX", luật sư nói.

Cựu Bí thư Đồng Nai được ở phòng riêng khi chưa tới lượt xét hỏi

Sáng 21/12, TAND TP Hà Nội đưa 36 bị cáo ra xét xử trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.

Từ khoảng 7h, các bị cáo được cảnh sát dẫn giải đến tòa bằng xe chuyên dụng. Một tiếng sau, phiên tòa khai mạc và bắt đầu phần thủ tục, thẩm tra lý lịch.

Tại tòa, thư ký tòa án thông báo có hơn 80 cá nhân, cơ quan, đơn vị từ UBND tỉnh Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty AIC, Công ty cổ phần bất động sản AIC... được mời, triệu tập với tư cách có nghĩa vụ, quyền liên quan. Trong số 36 bị cáo, thư ký tòa cho biết có 8 người đang bỏ trốn.

Vụ án AIC: Một bị cáo gửi đơn từ Mỹ xin xử vắng mặt - 1

Bị cáo Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) (Ảnh: TTXVN)

Có hơn 30 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo. Đối với bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn do đang bỏ trốn nên được tòa chỉ định 2 luật sư bào chữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại phiên tòa.

Khi được cho phép đưa ra quan điểm, các luật sư bào chữa cho các bị cáo: Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), Phan Thành An, Chu Văn Hiếu... đều đề nghị HĐXX xem xét cho những bị cáo này được ngồi trong khi phiên tòa diễn ra. Lý do được đưa ra là các bị cáo tuổi cao, mang bệnh, sức khỏe không đảm bảo. 

Riêng bị cáo Thành được luật sư đề nghị thêm là được phép ra ngoài, ở không gian riêng khi chưa đến lượt xét hỏi. HĐXX sau khi xem xét đã đồng ý với những đề nghị trên.

Vụ án AIC: Một bị cáo gửi đơn từ Mỹ xin xử vắng mặt - 2

Bị cáo Trần Đình Thành - cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - khai báo căn cước tại tòa (Ảnh: TTXVN).

Một trong 8 bị cáo bỏ trốn có Nguyễn Đăng Thuyết, cựu Giám đốc Công ty TNHH Thành An Hà Nội. Luật sư bào chữa của bị cáo này cho biết ngày hôm qua, Thuyết đã có đơn gửi tòa án, bày tỏ mong muốn được xét xử vắng mặt, chấp nhận sự xét xử vắng mặt dựa trên sự xét xử khách quan, toàn diện và thấu đáo. 

"Trước khi xác minh vụ án, khởi tố vụ án, bị cáo đã xuất cảnh, sang Mỹ để giám hộ cho việc học của con trai. Từ Mỹ, bị cáo đã gửi đơn tới HĐXX", luật sư nói. Trước nội dung này, chủ tọa phiên tòa xác nhận.

Chủ tịch AIC bị cáo buộc hối lộ gần 44 tỷ đồng

Kết thúc phần thẩm tra lý lịch, phiên tòa chuyển sang phần xét hỏi. Đại diện VKSND TP Hà Nội công bố bản cáo trạng.

Vụ án AIC: Một bị cáo gửi đơn từ Mỹ xin xử vắng mặt - 3

Các bị cáo tại tòa.

Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn có mối quan hệ quen biết với ông Trần Đình Thành từ năm 2003, khi đó đang là Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. 

Từ mối quan hệ này, bà Nhàn nhờ ông Thành giúp đỡ, tạo điều kiện để được tham gia các dự án của tỉnh, cụ thể là Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai. VKS xác định ông Thành đã "kết nối" cho bà Nhàn ăn trưa với lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, ngành để giới thiệu về Công ty AIC, từ đó giúp nữ chủ tịch được tham gia đấu thầu các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai.

Đầu năm 2013, khi Bệnh viện Đồng Nai được UBND tỉnh chấp thuận cho thuê đơn vị tư vấn để điều chỉnh danh mục thiết bị y tế chuyên môn phù hợp với tình hình thực tế, bị can Nhàn chỉ đạo nhiều thuộc cấp thông đồng, móc ngoặc với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, các công ty "quân xanh" để đảm bảo cho AIC được trúng thầu. 

Cơ quan tố tụng xác định các bị cáo tại Công ty AIC đã lập các báo giá khống, "thổi" giá các thiết bị y tế cao hơn 1,3 - 2 lần so với thực tế, trước khi làm Chứng thư thẩm định giá. Chủ đầu tư sau đó đã căn cứ vào các Chứng thư thẩm định giá trên để phê duyệt dự toán các gói thầu, lập và trình phê duyệt hồ sơ mời thầu.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cho Công ty AIC trúng thầu, bị cáo Nhàn còn chỉ đạo nhân viên chỉnh sửa số liệu trong báo cáo tài chính nhằm tăng hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, tăng vốn chủ sở hữu so với báo cáo tài chính thực tế.

Bằng những thủ đoạn trên, Công ty AIC trúng 16 gói thầu trang thiết bị y tế và xây lắp (2 gói thầu xây lắp và 14/17 gói thầu thiết bị) tại Dự án với tổng số tiền 665,757 tỷ đồng, qua đó hưởng lợi trái pháp luật hơn 148 tỷ đồng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Cáo trạng xác định để được tạo điều kiện trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Bệnh viện Đồng Nai, Chủ tịch AIC đã chi tiền hối lộ cho các ông Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ tổng số 43,8 tỷ đồng. Cụ thể, bà Nhàn đã trực tiếp và chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho ông Thành 14,5 tỷ đồng, ông Thái 14,5 tỷ đồng và cựu Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ 14,8 tỷ đồng.

Dòng sự kiện: Vụ án AIC