Vợ và em Nguyễn Thái Luyện "rửa tiền" như thế nào tại Công ty Alibaba?
(Dân trí) - Vợ và em bị can Nguyễn Thái Luyện biết rõ tiền có trong tài khoản tiết kiệm là tiền bất hợp pháp nhưng vẫn rút ra dùng vào mục đích cá nhân...
Kết luận điều tra xác định bị can Nguyễn Thái Luyện là chủ mưu, người sáng lập và điều hành phương thức lừa đảo theo 5 bước, tổ chức thành lập Công ty Alibaba và 22 pháp nhân khác, vẽ ra 58 dự án bất động sản không có thật, tự phân lô, tách thửa trái pháp luật để bán cho 3.924 bị hại, chiếm đoạt số tiền 2.373 tỷ đồng.
Chưa thu hồi được 13 tỷ đồng bất hợp pháp
Liên quan tới vụ án, bị can Võ Thị Thanh Mai (sinh năm 1987, vợ của Nguyễn Thái Luyện) và Nguyễn Thái Lực (sinh năm 1999, em ruột Luyện), Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán trưởng Công ty Alibaba) bị đề nghị truy tố về tội rửa tiền.
Theo đó, ngày 19/4/2018, Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột Nguyễn Thái Luyện) yêu cầu Nguyễn Thái Lực đứng tên mở tài khoản tại một ngân hàng chi nhánh Thủ Đức, đăng ký số điện thoại của Lực để nhận thông tin tài khoản.
Ngày 21/11/2018, Mai chỉ đạo Lĩnh nộp tiền vào tài khoản của Lực. Mai chỉ đạo Lực rút, mở sổ tiết kiệm số tiền 50 tỷ đồng, kỳ hạn 6 tháng tại ngân hàng chi nhánh Thủ Đức. Toàn bộ số tiền trên do khách hàng thanh toán tiền mua đất của Công ty Alibaba.
Sau đó, theo chỉ đạo của Mai, Lực rút 31 tỷ đồng, mở sổ tiết kiệm cho Huỳnh Thị Kim Thắng đứng tên, Thắng đã ủy quyền sử dụng sổ trên cho Lực. Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Mai, Thắng rút số tiền 18 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm, mua hai căn nhà tại TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Hai căn nhà trên cùng đứng tên Lực. Còn lại 13 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm.
Ngày 18/9/2019, khi cơ quan cảnh sát điều tra tổ chức thi hành lệnh bắt và khám xét toàn bộ trụ sở công ty Alibaba và chi nhánh thì Mai và Thắng có chứng kiến còn Lực đến trụ sở công ty nhưng chỉ đứng ngoài cửa chứ không vào. Cả 3 người biết rõ số tiền 13 tỷ đồng còn lại trong sổ tiết kiệm nêu trên có nguồn gốc bất hợp pháp nhưng sau đó rút ra đưa Mai.
Tại cơ quan điều tra, Mai khai đã sử dụng số tiền này vào việc cá nhân và trả tiền vay bên ngoài, đến nay cơ quan cảnh sát điều tra chưa thu hồi được.
Ngoài ra, Mai khai được Luyện phân công quản lý bộ phận kế toán, giám sát và điều hành mọi hoạt động thu chi của Công ty Alibaba. Toàn bộ chi phí hoạt động của Công ty Aibaba và các pháp nhân liên quan đều phải được sự đồng ý của Luyện thì Mai mới duyệt cho bộ phận kế toán chi tiền.
Nguồn tiền thu của Công ty Alibaba được chi chủ yếu cho việc trả lương, hoa hồng cho nhân viên, mua đất, trả tiền thuê mặt bằng kinh doanh, trả lãi định kỳ cho khách.
Thu hồi được tài sản khủng
Cơ quan điều tra xác định vụ án này có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên nhiều địa phương với phương thức thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi. Trong đó, Nguyễn Thái Luyện là chủ mưu, đã lợi dụng những hiểu biết pháp luật về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tìm cách lách luật, tạo dựng nên hệ thống kinh doanh bất động sản không có thật theo mô hình đa cấp.
Bị can Luyện đã tự vẽ và phân lô trái pháp luật trên nền đất nông nghiệp và tự đặt tên dự án, do các đồng phạm đứng tên nhận chuyển nhượng từ nguồn tiền cá nhân và tiền bất hợp pháp thu của khách hàng, thông qua các hợp đồng ủy quyền và hợp đồng khác tạo sự tin tưởng cho khách hàng về tính hợp pháp của dự án, từ đó, ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật.
Công ty Alibaba chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn. Vụ án được dư luận, nhân dân và các cấp lãnh đạo quan tâm.
Số tài sản thu hồi được khoảng 1.551 tỷ đồng, trong đó có gần 400ha đất nông nghiệp và thổ cư tại nhiều tỉnh, thành, 23 ô tô, xe máy các loại, 257 miếng vàng, 9,2 tỷ đồng tiền mặt.
Cơ quan điều tra nhấn mạnh, việc điều tra, xử lý vụ án kịp thời đã góp phần ổn định tình trạng ồ ạt dồn tiền kinh doanh bất động sản giá rẻ mà không tìm hiểu kỹ tình trạng pháp lý của một bộ phận quần chúng nhân dân trong thời gian qua.