Viện Kiểm sát đề nghị tăng hình phạt Trầm Bê, luật sư "đòi" tuyên vô tội
(Dân trí) - Trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho Trầm Bê cho rằng hành vi của bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định cho vay và đề nghị HĐXX tuyên bị cáo vô tội.
Ngày 10/12, phiên tòa xét xử vụ án thất thoát 505 tỷ đồng tại ngân hàng Phương Nam (nay là ngân hàng Sacombank) tiếp tục tranh luận.
Trong phiên tòa hôm qua, Viện KSND cấp cao tại TPHCM đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị của Viện KSND TPHCM và Viện KSND cấp cao tại TPHCM tăng hình phạt đối với các bị cáo. Theo đó, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Dương Thanh Cường mức án 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Trầm Bê mức án từ 6 - 7 năm tù, bị cáo Phan Huy Khang mức án từ 5 - 6 năm tù, các thuộc cấp của Trầm Bê bị đề nghị mức án từ 2 - 5 năm tù.
Về dân sự, cấp sơ thẩm tuyên buộc bị cáo Dương Thanh Cường bồi thường toàn bộ thiệt hại của vụ án. Viện Kiểm sát cấp phúc thẩm đề nghị HĐXX buộc bị cáo Dương Thanh Cường phải trả 185 tỷ đồng đã chiếm đoạt và 9 bị cáo trên liên đới bồi thường 320 tỷ đồng cho ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank), tổng cộng là 505 tỷ đồng.
Trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho bị cáo Trầm Bê cho rằng bị cáo thực hiện đúng theo quy định, có tài sản đảm bảo và không gây thiệt hại cho ngân hàng. Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Bê không phạm tội vi phạm quy định cho vay. Đối đáp lại quan điểm trên, Viện Kiểm sát khẳng định bản án sơ thẩm cáo buộc hành vi của bị cáo Bê là đúng người, đúng tội, không oan sai.
Bào chữa cho bị cáo Phan Huy Khang (nguyên Phó tổng giám đốc ngân hàng Phương Nam), luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng mức án 5 - 6 năm tù mà Viện Kiểm sát đề nghị đối với thân chủ của mình là quá nặng, đồng thời, luật sư đề nghị làm rõ thiệt hại trong vụ án.
Cụ thể, theo luật sư Trang, bị cáo Khang là thành viên hội đồng tín dụng của ngân hàng Phương Nam, chỉ thực hiện hành vi tham gia ký biên bản họp hội đồng tín dụng khoản vay của công ty Bình Phát. Hành vi này được thực hiện sau khi sở giao dịch đã thẩm định hồ sơ, theo quy định của hội đồng tín dụng của ngân hàng Phương Nam, việc thẩm định và lập tờ trình thẩm định sẽ do các cán bộ tín dụng trực tiếp chịu trách nhiệm. Bị can Khang hoàn toàn không tham gia và không có bất kỳ chỉ đạo nào liên quan nên không thể quy buộc bị cáo Khang phải chịu trách nhiệm.
Đối với các vi phạm về công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm và giám sát việc giải ngân, theo quy định ngân hàng Phương Nam sẽ do Sở giao dịch chịu trách nhiệm. Từ đó, luật sư Trang cho rằng các vi phạm của Phan Huy Khang hoàn toàn xuất phát từ sự tin tưởng vào thuộc cấp báo cáo về hồ sơ vay của Dương Thanh Cường, tất cả vì lợi ích của ngân hàng, không tư lợi cá nhân, vì vậy HĐXX cần có đánh giá toàn diện vụ án để có mức án hợp tình, hợp lý và tương xứng đối với bị cáo Khang.
Đối đáp lại quan điểm của luật sư Trang, Viện Kiểm sát cho rằng thiệt hại vụ án đã được xác định rõ trong hồ sơ vụ án, cấp sơ thẩm xác định thiệt hại là có căn cứ. Đồng thời, bị cáo Dương Thanh Cường cũng đã thừa nhận toàn bộ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Luật sư bào chữa cho các bị cáo nguyên là nhân viên ngân hàng Phương Nam cho rằng mình phạm tội với vai trò thứ yếu, mờ nhạt, là bị hại trong hành vi lừa đảo của Dương Thanh Cường, chưa gây thiệt hại cho vụ án. Viện Kiểm sát khẳng định quan điểm trên của các bị cáo là không có căn cứ, các bị cáo đã làm sai quy định của ngân hàng trong việc cấp tín dụng cho Dương Thanh Cường, mỗi bị cáo là một mắt xích quan trọng trong việc cấp tín dụng. Từ đó, Viện Kiểm sát nhấn mạnh bản án sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo là đúng người, đúng tội.
Phía bị hại đồng ý với số tiền thiệt hại mà cấp sơ thẩm xác định, đồng thời đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Trầm Bê cùng các thuộc cấp.
Nói lời nói sau cùng, các bị cáo đồng loạt xin HĐXX xem xét lại nội dung vụ án, bối cảnh phạm tội cũng như vai trò của từng bị cáo để có bản án phù hợp.
Do tính chất phức tạp của vụ án nên HĐXX quyết định nghị án kéo dài và tuyên án vào ngày 14/12.