Viện Khoa học sở hữu trí tuệ lên tiếng vụ tranh chấp nhãn hiệu "Quê Tôi"
(Dân trí) - Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tiếp nhận tài liệu, hồ sơ chứng minh nhãn hiệu hàng hóa "Quê Tôi" thuộc sở hữu Công ty Xây lắp Bình Minh (trụ sở ở Hải Phòng).
Ngày 13/11, nguồn tin của phóng viên cho biết, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã có thông tin về việc Công ty cổ phần thực phẩm Bình Minh (Công ty thực phẩm Bình Minh, trụ sở ở Hải Phòng) bị tố dùng tài liệu không hợp pháp để yêu cầu Viện này giám định nhãn hiệu hàng hóa "Quê Tôi".
Dấu hiệu yêu cầu giám định không hợp pháp
Về việc này, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ cho biết, đơn vị đã nhận được các tài liệu gồm: Bản án sơ thẩm của TAND TP Hải Phòng; Bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội; Quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.
Trong đó, nội dung bản án sơ thẩm và quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao thể hiện, nhãn hiệu hàng hóa "Quê Tôi" thuộc sở hữu của Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và Xây lắp Bình Minh (Công ty xây lắp Bình Minh, trụ sở ở Hải Phòng).
Ngoài ra, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ còn nhận được các tài liệu khác, gồm: Quyết định số 825 ngày 22/10 về việc từ chối ghi nhận đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp nhãn hiệu "Quê Tôi" giữa 2 công ty trên của Cục Sở hữu trí tuệ.
Viện trên còn nhận được Công văn số 3252 ngày 22/10 của Cục Sở hữu trí tuệ về việc thực hiện theo quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao.
"Theo các tài liệu nói trên, chủ nhãn hiệu "Quê Tôi" được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 172810 là Công ty xây lắp Bình Minh, chứ không phải của Công ty thực phẩm Bình Minh đã khai trong tờ khai yêu cầu giám định", theo nội dung công văn của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ.
Từ thông tin trên, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ nhận định, việc Công ty thực phẩm Bình Minh yêu cầu giám định dưới danh nghĩa là chủ quyền nhãn hiệu hàng hóa "Quê Tôi" là không hợp pháp.
Do đó, các kết luận giám định nhãn hiệu "Quê Tôi" dựa trên tài liệu Công ty thực phẩm Bình Minh đề nghị trước đó đều bị coi là không có giá trị sử dụng.
Để đảm bảo vụ việc được xử lý một cách công bằng, minh bạch và đúng pháp luật, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ yêu cầu trong vòng 15 ngày, tính từ ngày nhận được công văn này (công văn ra ngày 8/11), Công ty thực phẩm Bình Minh phải cung cấp các tài liệu tương tự như công ty trên cung cấp cho Viện.
Ngoài ra, nếu Công ty thực phẩm Bình Minh có các tài liệu khác để chứng minh là chủ sở hữu nhãn hiệu "Quê Tôi" được bảo hộ theo giấy số 172810 thì cung cấp cho Viện Khoa học sở hữu trí tuệ.
Đồng thời, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ còn yêu cầu Công ty thực phẩm Bình Minh có ý kiến trả lời về những thông tin trên của Viện.
Nếu sau thời hạn trên, Công ty thực phẩm Bình Minh không có ý kiến trả lời hoặc không chứng minh rằng nhãn hiệu hàng hóa "Quê Tôi" là của mình, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định thu hồi các kết luận giám định.
Viện Khoa học sở hữu trí tuệ nhấn mạnh, Công ty thực phẩm Bình Minh sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đã vi phạm quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu giám định sở hữu công nghiệp.
Công ty thực phẩm Bình Minh còn phải đối mặt với việc chịu trách nhiệm với việc sử dụng các kết luận giám định về nhãn hiệu "Quê Tôi".
TAND Tối cao ra phán quyết cuối cùng
Về diễn biến vụ việc, ngày 29/9/2011, Công ty xây lắp Bình Minh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 172810 cho nhãn hiệu hàng hóa "Quê Tôi".
Ngày 10/9/2013, Công ty Xây lắp Bình Minh ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Quê Tôi" cho Công ty thực phẩm Bình Minh.
Ngày 30/12/2013, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp số 6778 (giấy chứng nhận 6778) cho Công ty thực phẩm Bình Minh.
Ngày 27/4/2020, TAND TP Hải Phòng tuyên hợp đồng ký kết giữa 2 công ty ngày 10/9/2013 là vô hiệu, bởi người đại diện cho Công ty xây lắp Bình Minh không đủ thẩm quyền ký hợp đồng này.
Từ căn cứ trên, bản án sơ thẩm của TAND TP Hải Phòng quyết định, nhãn hiệu hàng hóa "Quê Tôi" thuộc sở hữu của Công ty xây lắp Bình Minh. Tòa cũng yêu cầu hủy giấy chứng nhận số 6778.
Sau bản án trên, Công ty thực phẩm Bình Minh có đơn kháng cáo và được TAND Cấp cao tại Hà Nội chấp nhận kháng cáo, vào ngày 12/11/2020.
Ngày 11/6/2024, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ra quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội và giữ nguyên bản án sơ thẩm ngày 27/4/2020 của TAND TP Hải Phòng.
Theo đó, nhãn hiệu hàng hóa "Quê Tôi" thuộc sở hữu của Công ty xây lắp Bình Minh.
Toàn bộ nội dung trên đại diện 2 công ty đều nắm rõ. Nhưng theo phản ánh, Công ty thực phẩm Bình Minh vẫn sử dụng giấy chứng nhận số 6778 của Cục Sở hữu trí tuệ đã bị tuyên hủy nói trên để đề nghị Viện Khoa học sở hữu trí tuệ giám định yếu tố xâm phạm nhãn hiệu "Quê Tôi".
Sau đó, Viện trên ra kết luận việc sử dụng nhãn hiệu "Quê Tôi" gắn trên các sản phẩm thực phẩm của công ty như tương ớt, tương cà,… là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ của Công ty thực phẩm Bình Minh.
Từ thông tin trên, dẫn đến việc Công ty xây lắp Bình Minh liên doanh với một công ty khác sản xuất ra các sản phẩm tương ớt, tương cà,… gắn nhãn hiệu "Quê Tôi" thuộc sở hữu của mình bị khách hàng lầm tưởng là hàng giả, hàng nhái, gây thiệt hại kinh tế.