1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vì sao cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thoát án tử hình?

(Dân trí) - Theo bản án sơ thẩm, gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã khắc phục hoàn toàn số tiền 3 triệu USD mà ông Son nhận từ bị cáo Phạm Nhật Vũ. HĐXX cho rằng không cần thiết phải áp dụng hình phạt cao nhất đối với ông Son như đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị.

Vì sao cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thoát án tử hình? - 1
Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nghe tòa tuyên án sáng 28/12.

Sáng 28/12, TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), gây thiệt hại hơn 6.590 tỷ đồng.

Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TTTT) Nguyễn Bắc Son bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt mức án Chung thân về 2 tội danh “Vi phạm quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”. Trước đó, ông Son bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên án tử hình.

Ông Son có vai trò chỉ đạo xuyên suốt

Theo nhận định của bản án sơ thẩm, quá trình thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone, các bị cáo ở mỗi vị trí, vai trò khác nhau tại Bộ TTTT, MobiFone, Công ty AMAX đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG; thẩm định giá; sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán và quyết định giá mua cổ phần của AVG, trong việc lập, trình dự án và quyết định phê duyệt dự án đầu tư, thanh toán gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước với tổng giá trị thiệt hại là hơn 6.590 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án, bị cáo Phạm Nhật Vũ đã có hành vi đưa hối lộ. Bốn bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải đã có hành vi nhận hối lộ.

Tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như nội dung cáo trạng và bản luận tội của Viện Kiểm sát nêu tại phiên tòa. Các bị cáo và luật sư bào chữa chỉ đưa ra các luận cứ phân tích để chứng minh vai trò phạm tội của các bị cáo có mức độ, mờ nhạt, giản đơn... và đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

Bản án sơ thẩm nêu rõ, bị cáo Nguyễn Bắc Son với tư cách lúc đó là Bộ trưởng Bộ TTTT, là người chỉ đạo trực tiếp việc lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện dự án đầu tư. Bị cáo Nguyễn Bắc Son nhận thức dự án phải thực hiện theo quy định của Luật 67/2014/QH13 và Luật số 69/2014/QH13 về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; trình tự, thủ tục đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp; Bộ TTTT không có chức năng thẩm định, đánh giá về giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án.

Tuy nhiên, bị cáo Son vẫn chỉ đạo bị cáo Phạm Đình Trọng thành lập Tổ thẩm định; tổ chức họp với MobiFone và AVG ngày 2/10/2015 để thống nhất giá mua 95% cổ phần AVG là 8.898,3 tỷ đồng theo nguyên trạng.

Vì sao cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thoát án tử hình? - 2

Các bị cáo nghe tòa tuyên án.

Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ mới có ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án chưa được thẩm định, đánh giá tổng thể; Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến về việc sử dụng các kênh tần số đã cấp cho AVG nhưng bị cáo Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo bị cáo Trương Minh Tuấn ký Quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone; chỉ đạo bị cáo Lê Nam Trà ký các Thỏa thuận và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với AVG ngay trong năm 2015.

Mặc dù không kiểm tra, xem xét thực tế AVG có trao đổi làm việc với MobiFone nhưng bị cáo Nguyễn Bắc Son vẫn phê duyệt đồng ý tại phiếu trình của Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TTTT) ngày 5/3/2015 nội dung “Công ty AVG đã trao đổi làm việc với MobiFone và thống nhất sẽ chuyển nhượng cổ phần của AVG cho MobiFone”; đưa giao dịch này thuộc danh mục “Mật” của Nhà nước.

Bộ TTTT không có chức năng thẩm định dự án đầu tư nhưng bị cáo Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo và ký quyết định số 194 thành lập Tổ thẩm định dự án, đầu tư dịch vụ truyền hình tại MobiFone.

Theo đánh giá của tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Bắc Son có vai trò chỉ đạo xuyên suốt từ quá trình giới thiệu cho đến khi thực hiện việc thanh toán.

Thoát án tử do gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả

Án sơ thẩm nêu, sau khi hoàn thành việc bán 95% cổ phần AVG cho MobiFone, bị cáo Phạm Nhật Vũ (cựu Chủ tịch AVG) đã đưa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD.

Vì sao cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thoát án tử hình? - 3
Cảnh sát dẫn giải ông Nguyễn Bắc Son ra xe sau khi tòa tuyên án.

Quá trình điều tra, bị cáo Nguyễn Bắc Son xác định số tiền nhận từ Phạm Nhật Vũ là tiền bất hợp pháp nên bị cáo Son đã nhiều lần viết đơn xin nộp lại. Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Bắc Son không nhận được sự phối hợp của gia đình trong việc nộp lại số tiền nhận từ Phạm Nhật Vũ.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son đề nghị được sử dụng số tiền 591.902.772 đồng trong tài khoản tiền gửi tiết kiệm đứng tên Nguyễn Bắc Son tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) để trả lại một phần số tiền đã chiếm đoạt.

Tại phiên tòa, trong phần luận tội và đề nghị mức án, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bắc Son tử hình về tội “Nhận hối lộ.”

Quá trình tranh tụng và nghị án, gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã nộp tiền, khắc phục hoàn toàn số tiền 3 triệu USD mà bị cáo Son nhận từ bị cáo Phạm Nhật Vũ. Xét tình tiết giảm nhẹ này, HĐXX cho rằng không cần thiết phải áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son như đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị.

HĐXX kết luận, trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Bắc Son giữ vai trò đứng đầu, xuyên suốt trong toàn bộ quá trình thực hiện dự án. Sự chỉ đạo của bị cáo Son mang tính quyết liệt, buộc cấp dưới phải thực hiện.

Bị cáo Son phải chịu trách nhiệm chính về hậu quả đã xảy ra cho nhà nước và xã hội. Bị cáo Son là người được hưởng lợi nhiều nhất so với các bị cáo khác từ thương vụ mua bán trái pháp luật này, với số tiền nhận hối lộ đặc biệt lớn là 3 triệu USD. Do vậy, bị cáo Nguyễn Bắc Son là người chịu trách nhiệm cao nhất, đứng đầu trong số các bị cáo trong vụ án này.

Tiến Nguyên