1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vẫn còn nhiều nạn nhân của tội phạm mạng

Là những thanh niên trẻ, thông thạo công nghệ thông tin, nhóm đối tượng đã dùng mạng xã hội facebook để tổ chức lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng của hàng ngàn bị hại trên cả nước...

Mất tiền vì tin lời nhắn nhận hộ tiền qua Facebook

Giữa tháng 11-2020, Nguyễn Thúy H. (trú tại phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm) bất ngờ nhận được tin nhắn từ một người bạn cũ là Trần Thị Tuyết, hiện đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản sử dụng tài khoản Facebook "Tuyết Trần" nhắn tin nhờ chị H. nhận hộ số tiền 5 triệu đồng để chuyển về cho người nhà ở quê tại Nghệ An.

Chị H. đồng ý, nhưng do không có tài khoản ngân hàng nên đã cung cấp số tài khoản ngân hàng của em gái để chuyển tiền. Sau đó số điện thoại của chị O. (em chị H.) nhận được 1 tin nhắn với nội dung nhận được 5 triệu đồng từ dịch vụ Western Union đồng thời đề nghị truy cập vào một trang web để cập nhật vào tài khoản.

Tiếp đó, chị O. nhận được cuộc gọi của một người nói tiếng miền Nam tự xưng là nhân viên ngân hàng hướng dẫn chị truy cập vào đường link (liên kết), rồi nhập tên đăng nhập tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP được gửi đến số điện thoại của chị O. để xác nhận giao dịch nhận tiền. Sau khi làm theo hướng dẫn của người này, chị O. phát hiện tài khoản ngân hàng của mình đã bị trừ số tiền hơn 25 triệu đồng. Tiếp nhận thông tin, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Nam Từ Liêm khẩn trương tiến hành xác minh, thu thập các tài liệu, xác định số điện thoại gọi đến cho em chị H. là của đối tượng Trần Đạo Nghĩa (SN 1999, thường trú tại xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).

Vẫn còn nhiều nạn nhân của tội phạm mạng - 1
Công an quận Nam Từ Liêm đã lập chuyên án truy tìm đối tượng. Sau một thời gian truy tìm, bằng sự mưu trí và thông thạo kiến thức về mạng xã hội, ngày 8-12-2020, trinh sát hình sự Công an quận Nam Từ Liêm phát hiện đối tượng Trần Đạo Nghĩa đang lẩn trốn tại nhà nghỉ ở phường 3 (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị).

Cơ quan Công an lập tức cử một tổ công tác phối hợp với Công an thị xã Quảng Trị tiến hành kiểm tra hành chính tại nhà nghỉ trên, phát hiện hàng chục đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài sản và đưa về trụ sở Công an thị xã Quảng Trị để làm rõ. Ổ nhóm này gồm Trần Đạo Nghĩa; Bùi Ngọc Hải (cùng SN 2000); Dương Viết Hưng (SN 2003), Nguyễn Minh Luật Phú (SN 2001). Bốn đối tượng này cùng trú tại xã Triệu Hòa (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị); Nguyễn Ngọc Hải (SN 2001) và Nguyễn Thanh Phúc (SN 1998, cùng trú tại xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị); Nguyễn Chung Tú (SN 1999) và Lê Doãn Dương (SN 1999 cùng trú tại xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, Quảng Trị).

Tại cơ quan Công an, nhóm đối tượng khai quen biết và sống cùng với nhau một thời gian dài. Trong thời gian đó bọn chúng đã "chuyền tay" cho nhau cách thức "kiếm tiền trên mạng". Dù vậy khi thực hiện hành vi lừa đảo thì lại tách thành hai nhóm khác nhau. Trong đó, Trần Đạo Nghĩa và Bùi Ngọc Hải là một nhóm; Nguyễn Ngọc Hải, Dương Việt Hưng và Nguyễn Thanh Phúc là một nhóm; nhóm còn lại gồm Nguyễn Chung Tú, Lê Doãn Dương, Nguyễn Minh Luật Phú.

Đầu năm 2019, Nghĩa tự tạo 1 đường link trên website: weebly.com liên kết với email của Nghĩa để gửi cho tài khoản Facebook khác với giao diện ngụy trang là nhờ "like" (thích) nội dung trong đường link đó. Khi người dùng truy cập vào đường link này và nhập tên tài khoản, mật khẩu Facebook thì các thông tin này sẽ tự động được gửi về email liên kết của Nghĩa.

Sau đó, Nghĩa đổi mật khẩu, chiếm quyền quản trị tài khoản. Khoảng đầu năm 2020, Nghĩa được một người bạn tạo cho 1 đường link cũng trên website weebly.com liên kết với 2 email của Nghĩa với mục đích tương tự là thu thập thông tin tài khoản ngân hàng bao gồm tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP của người dùng gửi về email đã liên kết để Nghĩa thực hiện việc chiếm đoạt tiền qua hình thức chuyển khoản.

Khi chiếm được quyền quản trị các tài khoản Facebook, Nghĩa giả danh là các chủ tài khoản gửi tin nhắn messenger cho bạn bè của các tài khoản Facebook đó với nội dung nhờ nhận tiền giúp. Nếu người đó đồng ý thì Nghĩa sẽ hướng dẫn bị hại đăng nhập tài khoản ngân hàng trên link đã gửi rồi chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng của họ.

Nghĩa thực hiện lệnh chuyển tiền từ các tài khoản ngân hàng này, yêu cầu chủ tài khoản ngân hàng cung cấp mã OTP với lý do xác nhận giao dịch nhận tiền, nhưng thực tế là chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng mà Nghĩa đã chiếm đoạt của người khác từ trước. Khi có tiền, Nghĩa tiếp tục chuyển tiền từ 2 tài khoản trên đến tài khoản ngân hàng của đại lý cấp 1 game Kingfun, nạp vào các tài khoản game của Nghĩa để đánh bạc. Nếu đánh bạc xong vẫn còn tiền, Nghĩa ra đại lý cấp 2 tại quán XGame trên đường Trần Bình Trọng, thị xã Quảng Trị để đổi tiền mặt sử dụng cá nhân.

Với phương thức thủ đoạn như trên, Trần Đạo Nghĩa và Bùi Ngọc Hải đã thực hiện trót lọt hàng ngàn vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân trên cả nước, cuỗm được hàng tỷ đồng để rút ra chi tiêu cá nhân, sử dụng ma túy, đánh bạc trên mạng và trả tiền thuê nhà nghỉ.

Vẫn còn nhiều nạn nhân của tội phạm mạng - 2
Tuyển người qua mạng để lừa đảo

Nếu như nhóm Trần Đạo Nghĩa, Bùi Ngọc Hải chuyên hack facebook rồi nhắn tin vay tiền, gửi tiền để lừa đảo thì nhóm Nguyễn Ngọc Hải, Dương Việt Hưng, Nguyễn Thanh Phúc lại dùng chiêu tuyển người qua mạng xã hội rồi lừa đảo.

Tháng 6-2020, Dương Việt Hưng cài đặt ứng dụng trên điện thoại đồng thời liên kết tài khoản email với ứng dụng này tạo một đường link có thể thu thập thông tin tài khoản ngân hàng của người truy cập vào đường link này và giao tài khoản email, đường link cho Hải, Hưng sử dụng.

Nguyễn Ngọc Hải mua tài khoản ngân hàng B. trên mạng xã hội, đăng ký số điện thoại liên kết là số điện thoại của mình để nhận tiền chiếm đoạt được. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức Hải rủ Hưng cùng thuê phòng tại nhà nghỉ để hoạt động.

Sau đó cặp đôi lập nhiều tài khoản Facebook ảo và lập page (trang) tên Tuyển Nhân Viên - CTV - Trên toàn quốc đăng các bài tuyển người làm việc tại nhà, trả lương qua tài khoản ngân hàng. Nếu ai có nhu cầu xin việc thì Hải và Hưng yêu cầu họ phải liên kết tài khoản ngân hàng với đường link anh ta có với lý do để trả lương. Song trên thực tế việc làm này của Hải là để chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng của những người này. Khi có được tài khoản, Hải hoặc Hưng sẽ thực hiện lệnh chuyển tiền từ tài khoản chiếm đoạt được đến tài khoản ngân hàng đã mua hoặc tài khoản đại lý cấp 1 game Kingfun nạp vào các tài khoản game để đánh bạc.

Cuối tháng 6-2020, Hải và Hưng rủ thêm Phúc đến nhà nghỉ chơi và nói cho Phúc biết về thủ đoạn chiếm đoạt tài sản nêu trên, Phúc đã nhiều lần đi rút tiền mà Hưng, Hải chiếm đoạt về cả nhóm ăn chia. Ngày 1-10-2020, các đối tượng chiếm dụng được tài khoản Facebook có tên "Lương Thị Mai Duyên", đã dùng tài khoản này để đăng bài trên mạng xã hội tuyển người cắt mác quần áo tại nhà và thông qua các hình thức đặt cọc hoặc không đặt cọc. Chị Cao Thị T. trú tại xã Thất Hùng (Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) đã liên hệ qua tài khoản trên và được nhóm đối tượng yêu cầu đăng nhập xác nhận theo đường link của các đối tượng đã cung cấp. Chị T. làm theo hướng dẫn và đăng nhập số tài khoản ngân hàng, mật khẩu cùng mã OTP. Sau khi làm theo hướng dẫn, chị T. tá hỏa khi phát hiện trong tài khoản của mình đã bị mất hơn 356 triệu đồng trong tài khoản cá nhân. Số tiền Hải, Hưng chiếm đoạt đã được chuyển đến các tài khoản khác và cả nhóm sử dụng vào việc đánh bạc, chơi game và mua ma túy sử dụng hết.

Vẫn còn nhiều nạn nhân của tội phạm mạng - 3

Không dừng lại ở đó, ngày 17-11-2020, Hải và Hưng đã chiếm đoạt được số tiền hơn 15 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của anh C.Đ.H trú tại phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Từ đó, Hải tiếp tục chuyển số tiền 15 triệu đồng vào tài khoản game Kingfun của Hải dùng để đánh bạc, và đến quán game đổi lấy 10 triệu đồng, cho Hưng 1 triệu đồng, cho Phúc 500 ngàn đồng.

Ngày 5-12-2020, Hải và Hưng đã chiếm đoạt được số tiền hơn 30 triệu đồng của chị Trần Thị S. trú tại phường Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội). Sau khi chuyển vào tài khoản game, Hải đổi toàn bộ số tiền còn lại trong tài khoản thành 10 triệu đồng rồi bảo Phúc đến quán game nhận số tiền trên về chia cho Hưng 3 triệu đồng, chia cho Phúc số tiền 500 ngàn đồng, còn Hải hưởng 6,5 triệu đồng.

Hiện cơ quan Công an đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để khởi tố vụ án, khởi tố các bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Bộ Công an cảnh báo phương thức lừa đảo người dùng Facebook

Theo đại diện Bộ Công an thời gian qua, qua công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lực lượng chức năng nhận thấy các đối tượng thường sử dụng 2 phương thức để hack tài khoản Facebook của người dùng.

Cụ thể, đối tượng hack Facebook bằng cách dò mật khẩu hoặc lập một trang web giả mạo, có giao diện giống hệt website chính thức của Facebook, rồi dẫn dụ người dùng đăng nhập tài khoản bằng website giả mạo này để đánh cắp thông tin mật khẩu...

Sau khi hack được một tài khoản Facebook, các đối tượng lừa đảo nghiên cứu kỹ thông tin cá nhân, sở thích, lịch sử trò chuyện với bạn bè của chủ Facebook bị hack và dựa trên các thông tin đó sẽ giả là chủ của tài khoản Facebook bị hack gửi tin nhắn trò chuyện với những người có quan hệ gia đình, làm ăn thân thiết với chủ Facebook. Từ đó, đối tượng thực hiện các hành vi lừa đảo phổ biến như vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại.

Có trường hợp đối tượng lừa đảo nói mình mới mua nhà, bất động sản, xe hơi ở nước ngoài nên thiếu tiền và cần vay tiền gấp để đặt cọc...

Theo Bộ Công an, các tài khoản Facebook mà các đối tượng lựa chọn để hack thường là tài khoản của những người lớn tuổi, vì những người này thường đặt mật khẩu tài khoản một cách dễ nhớ, giản đơn. Các chủ tài khoản Facebook đang sinh sống tại nước ngoài cũng là "lựa chọn yêu thích" của các đối tượng lừa đảo. Lý do là khi bị lừa đảo vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại... các bị hại sẽ khó liên hệ ngay được với chủ Facebook để kiểm chứng thông tin…