1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Tuyên án bị cáo Lê Bạch Hồng cùng đồng phạm

(Dân trí) - Bị cáo Lê Bạch Hồng - cựu Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cựu Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 6 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Chiều 25/9, TAND TP Hà Nội tuyên án bị cáo Lê Bạch Hồng - cựu Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cựu Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - cùng các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam.

Tuyên án bị cáo Lê Bạch Hồng cùng đồng phạm - 1
Các bị cáo nghe tòa tuyên án.

5 bị cáo bị tuyên phạt về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cụ thể, bị cáo Lê Bạch Hồng bị tuyên phạt 6 năm tù; Nguyễn Huy Ban (cựu Tổng Giám đốc BHXH VN): 14 năm tù; Nguyễn Phước Tường (cựu Trưởng Ban Kế hoạch - Tài chính, nay là Vụ Kế hoạch - Đầu tư, kiêm Kế toán trưởng BHXH VN): 14 năm tù; Hoàng Hà (cựu Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Ban Kế hoạch - Tài chính, BHXH VN): 7 năm tù; Trần Tiến Vỹ (cựu Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Ban Kế hoạch - Tài chính, BHXH VN): 3 năm tù.

Bị cáo Trần Thị Thanh Thủy (cựu chuyên viên, sau là Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính) bị tuyên phạt 20 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 tháng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Về trách nhiệm dân sự, tòa cấp sơ thẩm buộc các bị cáo liên đới đền bù số tiền hơn 800 tỷ đồng cho BHXH VN. Trong đó bị cáo Hồng phải bồi thường hơn 100 tỷ đồng, Bang phải bồi thường hơn 290 tỷ đồng.

Theo bản án sơ thẩm, các bị cáo là người được Nhà nước giao quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, là tiền đóng góp của người lao động, được dùng để giải quyết quyền lợi cho người lao động. Về nguyên tắc, phải dùng tiền này đúng quy định pháp luật, đảm bảo hiệu quả.

Việc BHXH Việt Nam cho Công ty Cho thuê tài chính II (Công ty ALC II) vay vốn là vi phạm quy định pháp luật. Các bị cáo biết rõ không được phép nhưng đã cố ý thực hiện các thủ tục và cho ALC II vay với số tiền 1.010 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 1.600 tỷ đồng.

VKS truy tố các bị cáo tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

Hành vi của các bị cáo đã xâm hại đến hoạt động đúng đắn của BHXH, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân trong việc quản lý tiền của BHXH nên cần có mức án nghiêm khắc dành cho các bị cáo.

HĐXX cho rằng, BHXH Việt Nam đã cho Công ty ALC II vay vốn, có sự bảo lãnh của Ngân hàng Agribank. Đến nay, Công ty ALC II đã phá sản, Agribank phải đứng ra bồi thường thiệt hại số tiền hơn 800 tỷ đồng.

Về nguyên tắc, các bị cáo trong vụ án phải bồi thường toàn bộ thiệt hại là hơn 1.600 tỷ đồng, nhưng vì Agribank đã phải bồi thường hơn 800 tỷ đồng nên các bị cáo phải liên đới bồi thường hơn 800 tỷ đồng còn lại cho BHXH Việt Nam.

Tiến Nguyên