Tuyên án 2 cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa
(Dân trí) - TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt tổng cộng 12 năm tù đối với 2 cựu Chủ tịch tỉnh này vì có sai phạm trong việc giao "đất vàng" 01 Trần Hưng Đạo cho doanh nghiệp, gây thất thoát hơn 62 tỷ đồng.
Hành vi của các bị cáo gây dư luận xấu
Sau 9 ngày xét xử và 6 ngày nghị án, sáng 6/1, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Khánh Hòa đã tuyên án 13 bị cáo phạm tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại dự án BT xây mới Trường Chính trị có phương án hoàn vốn là giá trị khu đất 01 Trần Hưng Đạo (trụ sở Trường Chính trị cũ - TP Nha Trang).
Xét tính chất, mức độ, hành vi của từng bị cáo, TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Chiến Thắng - cựu Chủ tịch UBND tỉnh 6 năm 6 tháng tù, Lê Đức Vinh - cựu Chủ tịch UBND tỉnh và Đào Công Thiên - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa 5 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Tâm - cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính 4 năm 6 tháng tù; Lê Văn Dẽ - cựu Giám đốc Sở Xây dựng 3 năm 6 tháng tù, Võ Tấn Thái - cựu Giám đốc Sở TN&MT và Vũ Xuân Thiềng - cựu Phó Giám đốc Sở TN&MT 3 năm tù, Trần Quang Bửu - cựu Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa 2 năm 6 tháng tù.
Các bị cáo Trần Sỹ Quân - cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế; Nguyễn Văn Nhựt - cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trần Văn Thọ - cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp, Lê Huy Toàn - cựu Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang; Nguyễn Ngọc Tuấn - cựu Phó phụ trách Phòng Vật giá công sản thuộc Sở tài chính cùng bị tuyên án 2 năm tù.
Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Khánh Hòa xác định hành vi của các bị cáo trên là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm trật tự quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí. Đặc biệt, 13 bị cáo đã gây ra dư luận xấu, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Trong vụ án này, các bị cáo là người có chức vụ, quyền hạn đại diện cho nhà nước trong việc quản lý tài sản công nhưng đã thiếu trách nhiệm, tùy tiện trong các quyết sách nên đã gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Chiến Thắng với vị trí, vai trò là người đứng đầu UBND tỉnh đã thực hiện nhiều chỉ đạo trái quy định của pháp luật trong quá trình xác lập dự án.
Sai phạm của bị cáo Thắng là tiền đề cho toàn bộ sai phạm về sau. Tuy nhiên tại phiên tòa, bị cáo này không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, nên cần xử nghiêm.
Bị cáo Lê Đức Vinh đã trực tiếp ký các văn bản thay đổi quy mô, mục tiêu của dự án dẫn đến không phù hợp với quy hoạch; chỉ đạo cơ quan chuyên môn giao và cho thuê đất không đúng quy định pháp luật.
Bị cáo Đào Công Thiên trực tiếp ký các quyết định giao đất, cho thuê đất, phê duyệt giá đất và bán tài sản trên đất trái pháp luật.
Các bị cáo khác có sai phạm khi tham mưu các văn bản trái luật, không thực hiện đúng quy trình thẩm định giá đất, bán tài sản trên đất.
Buộc Công ty CP Thanh Yến nộp hơn 330 tỷ đồng
Về trách nhiệm dân sự, bản án sơ thẩm xác định 13 bị cáo liên đới bồi thường phần thiệt hại của vụ án là hơn 62,5 tỷ đồng. Đối với sai phạm giảm 55% giá trị bán tài sản của Trường Chính trị cũ gây thất thoát hơn 11,5 tỷ đồng, bị cáo Đào Công Thiên và Nguyễn Ngọc Tâm phải liên đới bồi thường.
Tuy nhiên, Công ty CP Thanh Yến (chủ đầu tư dự án) là đơn vị trực tiếp hưởng lợi từ hành vi phạm tội của các bị cáo nên cần thu hồi số tiền trên (hơn 74 tỷ đồng) từ công ty này.
Ngoài ra, đối với phần giá trị tăng lên tại thời điểm phát hiện hành vi phạm tội (ngày 5/10/2020) là gần 262 tỷ đồng, Công ty CP Thanh Yến cũng phải nộp lại cho ngân sách nhà nước.
Theo đó, xác định, tổng số tiền Công ty CP Thanh Yến phải nộp là hơn 334,5 tỷ đồng (đã trừ hơn 1,5 tỷ đồng do các bị cáo tự khắc phục) cho ngân sách.
Sau khi nộp xong khoản tiền theo bản án, Công ty CP Thanh Yến có quyền liên hệ cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành các trình tự, thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở công trình xây dựng tại khu đất số 01 Trần Hưng Đạo.