1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Từ vụ F88 bị điều tra: Vay tài sản rồi bùng nợ giải quyết thế nào?

Hải Nam Nguyễn Hải

(Dân trí) - Theo Luật sư Trần Xuân Tiền căn cứ vào tính chất, mức độ và số tiền chiếm đoạt, người thực hiện hành vi bùng nợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

"Đứng cho vay, quỳ đòi nợ"

Việc Công an TPHCM đang phối hợp các đơn vị nghiệp vụ liên quan điều tra các dấu hiệu vi phạm xảy ra tại Công ty F88 trong hoạt động cho vay và cưỡng đoạt tài sản, được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ.

Có ý kiến cho rằng, vấn đề không phải là ở mô hình hoạt động, mà ở cách thức hoạt động, cách thức lách luật, hợp tác cùng các tổ chức cá nhân thu hồi nợ của khách hàng và cả việc người vay tiền rồi tìm cách bùng nợ thì giải quyết thế nào?

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong lĩnh vực tài chính, câu nói "đứng cho vay, quỳ đòi nợ" được nhắc đến khá nhiều, bởi có nhiều công ty tài chính gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ do khách hàng chây ỳ không trả nợ, cố tình trốn tránh, cắt liên lạc để bùng khoản tiền vay.

Xuất phát từ hoàn cảnh của nhiều đối tượng có nhu cầu vay vốn như: nhóm người nghèo, người có thu nhập thấp, hộ gia đình có nhu cầu kinh doanh, vay vốn khởi nghiệp…, nên các công ty tài chính đã ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ xử lý hồ sơ giải ngân khoản vay nhanh chóng.

Song điều này lại dẫn tới một hệ lụy là nhiều khách hàng cố ý lờ đi, trốn tránh, viện cớ để không phải trả lại tiền, thậm chí có nhiều trường hợp vẫn còn khả năng chi trả nhưng chây ỳ.

Trên phương diện pháp lý, Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết, bản chất của việc vay, mượn tiền chính là một giao dịch dân sự.

Căn cứ Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định.

Hợp đồng cho vay có thể được giao kết thông qua lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, việc vay - cho vay tiền được thực hiện dưới nhiều cách thức khá đa dạng, phong phú, chủ yếu là theo hình thức cho vay tín chấp.

Theo đó, để thu hút người vay, bên cho vay thường chỉ yêu cầu người vay cung cấp một số thông tin như: CCCD, sổ hộ khẩu, yêu cầu truy cập danh bạ điện thoại,… để thu thập thông tin khách hàng. Thậm chí có nhiều trường hợp bỏ qua việc xác thực thông tin khách hàng cung cấp.

Lợi dụng việc này, bên vay hoàn toàn có thể sử dụng thông tin giả, sim rác, giấy tờ giả,... để vay tiền rồi dễ dàng bùng nợ. Chưa kể đến, có nhiều trường hợp vay tiền nhưng không có giấy tờ hay minh chứng xác nhận, nên đến khi không thể liên hệ với khách hàng, khi đến địa chỉ mà khách hàng cung cấp phát hiện ra thông tin giả, các công ty tài chính/bên cho vay cũng khó có thể thu hồi lại được khoản nợ này.

Đối với hành vi vay mượn tiền rồi bùng nợ, Luật đã quy định rất rõ hành vi vi phạm và chế tài xử phạt đối với từng hành vi. Trong đó, căn cứ vào tính chất, mức độ và số tiền chiếm đoạt, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với mức phạt tù cao nhất là tù chung thân, căn cứ Điều 174 BLHS.

Tuy nhiên, công tác xác minh, điều tra và khởi tố đối với loại tội danh này còn gặp nhiều khó khăn, do hầu hết các trường hợp cho vay tiền đều ở trong hoàn cảnh như: số tiền cho vay quá nhỏ, cho vay bằng miệng, không có văn bản xác nhận khoản vay hay chữ ký của các bên, không xác định được thông tin người vay (do cung cấp giấy tờ giả),...

Ngăn ngừa tình trạng vay rồi bùng nợ

Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết, để hạn chế và ngăn ngừa tình trạng vay tiền rồi "bùng", cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, từ việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, đến việc tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân đến việc tiến hành xử lý, xử phạt hành vi vi phạm.

Trong đó, pháp luật cần xem xét sửa đổi, hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục cho vay tại các tổ chức tín dụng hợp pháp, các ngân hàng,..., tạo môi trường an toàn, lành mạnh, dễ tiếp cận cho nhiều đối tượng có nhu cầu vay vốn.

Đặc biệt, cần siết chặt thủ tục xác minh thông tin cá nhân của người vay khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng, đảm bảo thông tin chính xác để có thể liên hệ trong trường hợp cần thiết, hoặc để cung cấp cho cơ quan điều tra.

Điều này có ý nghĩa quan trọng, góp phần rút ngắn thời gian xác minh đối với công tác điều tra nhằm kịp thời xử lý tội phạm liên quan đến hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản vay. Bên cạnh đó, cũng cần đơn giản hóa các thủ tục tố tụng (từ giai đoạn khởi kiện đến giai đoạn thi hành án) liên quan đến các tranh chấp về hợp đồng cho vay, hợp đồng tín dụng, tránh rườm rà, tốn kém thời gian cho các bên.

Luật sư Tiền nhận định, quan trọng nhất vẫn là công tác nâng cao nhận thức, kiến thức tài chính cho người dân, nhất là người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Quy định của pháp luật có chặt chẽ đến mấy, mà người dân không có ý thức chấp hành, thì tình trạng vay rồi chây ỳ không trả nợ vẫn còn tiếp tục kéo dài. Chỉ khi người dân nhận thức được đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình đối với khoản vay, xác định được nhu cầu vay vốn và biết cách chi tiêu, quản lý tài chính, đảm bảo khả năng thanh toán thì rủi ro khi vay tiêu dùng, hay tình trạng bùng nợ mới có thể chấm dứt', Luật sư Tiền nhấn mạnh.