Từ vụ bà Nguyễn Phương Hằng, ai có quyền yêu cầu giám định tâm thần?
(Dân trí) - Theo luật sư, trong dân sự người liên quan, cá nhân tổ chức có quyền yêu cầu giám định tâm thần; còn trong hình sự, việc trưng cầu giám định tâm thần thuộc về cơ quan tố tụng.
Vừa qua, ông Nguyễn Quang Tuấn (con trai của bị can Nguyễn Phương Hằng) gửi đơn đến cơ quan tố tụng, phản đối việc ông Huỳnh Uy Dũng (chồng bà Hằng) đề nghị giám định tâm thần đối với mẹ mình. Liên quan sự việc này, nhiều người thắc mắc, ai có quyền yêu cầu giám định tâm thần, tài sản của người bị tâm thần sẽ được xử lý, quản lý ra sao…
Khi nào xác định một người bị tâm thần?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, một luật sư thuộc Đoàn luật sư TPHCM cho biết, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự; còn năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
Để xác định năng lực pháp luật, năng lực hành vi của một người căn cứ vào độ tuổi (người thành niên, người chưa thành niên) và năng lực hành vi (người bị mất năng lực hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi và người khó khăn trong nhận thức).
Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan, tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Đối chiếu những quy định trên thì người có quyền lợi, liên quan hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố một người bị tâm thần dựa trên kết luận pháp y về tâm thần.
Ông Huỳnh Uy Dũng có quyền yêu cầu giám định tâm thần đối với bà Phương Hằng?
Theo luật sư, trở lại vụ bà Nguyễn Phương Hằng, là bị can trong vụ án hình sự và đang trong quá trình điều tra. Trường hợp nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của bà Hằng, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM sẽ trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với nữ bị can.
Việc giám định tâm thần đối với bà Hằng thuộc thẩm quyền của các cơ quan tố tụng khi điều tra, truy tố, xét xử. Chồng và con bà Hằng chỉ được quyền cung cấp chứng cứ để bảo vệ ý kiến, quan điểm và kết hợp với cơ quan chức năng chứ không có quyền phản đối, định đoạt việc giám định tâm thần.
Trong trường hợp cụ thể của bà Hằng, nếu cơ quan điều tra có quyết định yêu cầu giám định chuyên môn tâm thần thì cũng chưa xem bà Hằng bị tâm thần cho đến khi có kết luận chuyên môn về tâm thần.
Cần phân biệt năng lực trách nhiệm hình sự và năng lực trách nhiệm dân sự. Theo đó, việc giám định tâm thần đối với người bị buộc tội là nhằm xác định tình trạng năng lực trách nhiệm hình sự của họ trong vụ án hình sự; Nếu một người bị tòa án tuyên bố là mất năng lực hành vi dân sự thì giao dịch dân sự của họ vẫn được xác lập thông qua người đại diện.
Liên quan tới việc quản lý tài sản của người bị tâm thần, luật sư cho biết theo Luật doanh nghiệp năm 2020: Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì không có quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp.
Trường hợp người bị buộc tội thuộc một trong các trường hợp trên nhưng họ đồng thời là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì sẽ áp dụng khoản 5 hoặc khoản 6, Điều 12 Luật doanh nghiệp năm 2020 để xử lý và người bị buộc tội không còn là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.