1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Truy tố nhóm giang hồ “khủng bố” quán phở Hòa

Xuân Duy

(Dân trí) - Viện KSND TPHCM vừa ban hành cáo trạng truy tố 6 bị can liên quan vụ “khủng bố” quán phở Hòa về tội cưỡng đoạt tài sản, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Theo đó, các bị can Phạm Phong Phú, Khương Đình Đồng, Lê Văn Công, Nguyễn Xuân Tùng, Phạm Thành Đô bị truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản.

Bị can Trần Anh Tuấn (con rể ông chủ phở Hòa) bị đề nghị truy tố về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Cáo trạng xác định, gia đình ông Phạm Tùng Linh là chủ quán phở Hòa (đường Pasteur, phường 8, Quận 3). Còn Trần Anh Tuấn là con rể ông Linh.

Truy tố nhóm giang hồ “khủng bố” quán phở Hòa - 1
Quán phở Hòa bị "khủng bố"

Trước đây, do kinh doanh thua lỗ, Tuấn thế chấp tài sản để vay tiền, của nhiều người, trong đó có vay của Phạm Phong Phú và Khương Đình Đồng. Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 4/2019, Tuấn vay của Phú 6 lần, tổng cộng 3,5 tỷ đồng, với lãi suất 12 - 15%/tháng. Còn Đồng từng bảo lãnh cho Tuấn vay 200 triệu đồng.

Sau khi nhiều lần nhóm cho vay đến quán phở Hòa đòi nợ, Tuấn đã trả nợ. Sau đó, ngày 1/7/2019, Tuấn tiếp tục nhờ Đồng bảo lãnh vay 200 triệu đồng, lãi suất thỏa thuận 4%/ngày của một người không rõ lai lịch. Tuấn trả lãi 10 ngày thì tắt điện thoại, bỏ nhà đi nên Đồng phải trả lãi thay cho Tuấn.

Vào ngày 22/7/2019, Đồng cùng Công đến quán phở Hòa gặp anh vợ của Tuấn nói Tuấn nợ 200 triệu đồng và yêu cầu gia đình vợ Tuấn phải trả thay nhưng gia đình không đồng ý.

Lúc này, Phú từ quán phở Hòa đi ra và cho biết Tuấn cũng đang nợ Phú 5 tỷ đồng và đã bỏ trốn. Đồng nói sẽ cho đàn em tạt sơn pha mắm tôm vào quán phở Hòa gây áp lực buộc Tuấn phải ra gặp mặt trả nợ hoặc buộc gia đình vợ Tuấn phải trả nợ thay cho Tuấn và Phú đồng ý.

Đối tượng Đồng Nam "bò" (chưa rõ lai lịch) thuê Nguyễn Xuân Tùng, Phạm Thành Đô tạt sơn giúp.

Từ ngày 23 đến 26/7/2019, các đối tượng 2 lần tạt sơn và mắm tôm vào quán phở Hòa. Ngoài ra, Phú còn chỉ đạo Nguyễn Đình Đức (đàn em của Phú) dẫn đàn em đến quán phở Hòa gây áp lực buộc gia đình vợ Tuấn phải đưa Tuấn ra gặp mặt hoặc buộc gia đình phải trả nợ thay cho Tuấn.

Khoảng 10h30 ngày 26/7/2019, Đức cùng đàn em đến quán phở Hòa tìm Tuấn đòi nợ nhưng không gặp nên để lại tờ giấy Tuấn vay nợ cho nhân viên quầy tính tiền.

Chiều hôm sau, Đức cùng đàn em tiếp tục đến yêu cầu nhân viên quán phở Hòa ghi vào giấy nhỏ, nội dung "đến trưa mai không liên lạc là khỏi làm ăn" gửi cho Tuấn và gia đình vợ Tuấn.

Khoảng 18h ngày 29/7/2019, nhóm của Đức đến quán phở Hòa đòi nợ thì gặp nhóm của Đồng, tổng cộng khoảng 20 người. Cả bọn chia nhau mỗi người ngồi 1 bàn, nếu có thực khách đến ăn phở thì bị xua đuổi ngồi quán khác nhằm gây khó khăn trong việc kinh doanh.

Một đàn em trong nhóm của Đức đã bỏ con gián vào tô phở đang ăn rồi la lớn cho các khách khác biết tại đây bán phở không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Lúc này, Công an phường 8, Quận 3 đến giải quyết và sau đó cả nhóm ra về, không trả tiền ăn phở.

Đồng báo lại sự việc cho Phú biết, cả hai thống nhất sẽ chuyển sang tạt sơn, mắm tôm vào ban ngày, lúc quán đang đông khách và trời mưa để tránh bị công an truy đuổi. Tuy nhiên, Đồng và Phú chưa kịp thực hiện thì vào sáng 31/7/2019, nhóm đối tượng khác đã thực hiện trước.

Ngày 4/8/2019, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã bắt giữ các đối tượng trên.

Riêng với Trần Anh Tuấn, 3 chiếc ôtô Mercedes S350, Lexus RX350, Audi Q7 Tuấn thế chấp cho Phú là xe không rõ nguồn gốc hoặc có nguồn gốc bất hợp pháp, đã thế chấp cho ngân hàng...

Tuấn đã làm giả giấy tờ các xe này rồi nhờ Phú, Đồng đứng ra bảo lãnh thế chấp xe cùng giấy tờ vay tiền từ người khác.

Tại cơ quan điều tra chỉ có bị can Phạm Phong Phú không thừa nhận hành vi phạm tội. Phú cho rằng mình không phạm tội cưỡng đoạt tài sản, không thừa nhận việc chỉ đạo Đồng thuê đàn em tới quán phở Hòa tạt sơn, mắm tôm mà do Đồng tự thực hiện rồi báo cáo lại cho Phú biết.

Cơ quan tố tụng xác định hành vi của các bị can là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của công dân. Do đó, cần xử lý nghiêm khắc để răn đe, giáo dục.