Truy tố 17 bị can liên quan tới sai phạm ở thủy điện Sơn La
(Dân trí) - VKSND tỉnh Sơn La vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 17 bị can về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ Luật hình sự 1999) và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (điều 285, Bộ Luật hình sự 1999).
Theo đó, bị can Trương Tuấn Dũng (cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính Sơn La), bị can Phan Tiến Diện (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La) cùng 8 bị can khác (Phan Đức Chính, Phan Xuân Khoa, Trần Mạnh Trì, Tòng Văn Thành, Ngô Xuân Lê, Lê Quang Duy, Nguyễn Văn Thanh, Đèo Văn Ban) bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (tại khoản 3 điều 165 Bộ Luật hình sự 1999), khung phạt 10-20 năm.
Bị can Mai Văn Quang, Bùi Văn Tân, Vũ Hồng Giang bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (tại khoản 2 điều 165 Bộ Luật hình sự 1999), khung phạt từ 3 – 12 năm.
Bị can Triệu Ngọc Hoan (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Sơn La), Sòi Ngọc Hùng, Đỗ Tiến Đồng, Cà Văn Tinh bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (tại khoản 2 điều 285, Bộ Luật hình sự 1999), với khung phạt 3-12 năm.
Hồ sơ xác định, thuỷ điện Sơn La là dự án trọng điểm quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương và Thủ tướng phê duyệt đầu tư. Ngày 22/10/2003, UBND tỉnh Sơn La có quyết định thu hồi hơn 2.000 ha đất tại một số xã của huyện Mường La và xã Liệp Tè (huyện Thuận Châu) tạm giao cho Ban quản lý dự án để xây dựng tổng mặt bằng thi công. Việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thực hiện theo chính sách do tỉnh Sơn La ban hành và tổ chức theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng.
Từ sai phạm của Phó Chủ tịch huyện...
Theo cáo trạng truy tố, năm 2014, bị can Trương Tuấn Dũng (khi đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, kiêm Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư) trực tiếp chỉ đạo công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính.
Bị can Dũng ký ban hành Kế hoạch số 41 của UBND huyện Mường La không đúng với các văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh Sơn La, Bộ Tài nguyên về đo đạc, lập bản đồ địa chính nhưng vẫn ký ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kế hoạch 41, bị can Trương Tuấn Dũng không báo cáo Thường trực Huyện ủy, Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Mường La, Ban chỉ đạo di dân tái định cư huyện Mường La về những khó khăn, vướng mắc và cũng không báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đối với những khó khăn vướng mắc cũng như nội dung chỉ đạo, phương pháp cách thức tổ chức đo đạc, lập bản đồ địa chính.
Ngoài ra, bị can Dũng còn cho hai đơn vị tư vấn đo đạc là Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La và Công ty cổ phần tư vấn và đo đạc Bảo Bình thực hiện việc đo đạc, lập bản đồ địa chính khi không có các thủ tục pháp lý theo quy định.
Từ những chỉ đạo sai này của bị can Trương Tuấn Dũng, Ban di dân huyện Mường La và các đơn vị tư vấn đo đạc đã thực hiện không đúng việc thu hồi đất dẫn đến bồi thường sai cho bị can Đèo Văn Ban (63 tuổi, trú tại xã Mường Chùm, huyện Mường La) với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.
Căn cứ lời khai của các bị can và các chứng cứ tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT cho rằng việc chỉ đạo sai "là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sai phạm" trong công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính nên bị can Trương Tuấn Dũng phải chịu trách nhiệm về số tiền hơn 1,1 tỷ đồng hỗ trợ sai.
Bị can Phan Tiến Diện, Cựu Phó giám đốc Sở Tài chính Sơn La (khi đó là Phó chủ tịch UBND huyện Mường La) bị cáo buộc biết rõ kế hoạch 41 do bị can Trương Tuấn Dũng ký ban hành có nội dung không đúng. Tuy nhiên, bị can Diện lại không báo cáo xin ý kiến cấp trên mà vẫn ký duyệt phương án thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ dẫn đến hỗ trợ sai hơn 1,2 tỷ đồng.
Cũng theo cáo trạng truy tố, mặc dù là Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Sơn La, bị can Triệu Ngọc Hoan có thẩm quyền ký ban hành bản đồ địa chính nhưng lại không kiểm tra tài liệu, không nắm được bản đồ địa chính do Văn phòng đăng ký đất đai lập có đúng không. Bị can Hoan vẫn ký xác nhận 16 tờ bản đồ địa chính để ban hành phục vụ công tác thu hồi đất, bồi thường cho các hộ dân.
Hộ dân “hùa” theo cán bộ làm sai
Đối với đất của bị can Đèo Văn Ban, dù không nắm được kết quả đo đạc trên bản đồ địa chính có đúng quy định không, bị can Hoan vẫn ký xác nhận hai tờ bản đồ địa chính có đất của hộ này dẫn đến bồi thường sai hơn 800 triệu đồng.
Theo cáo trạng, bị can Đèo Văn Ban khai nhận, khoảng năm 1992-1994, bị can đã đến khai hoang, sinh sống và đăng ký hộ khẩu thường trú ở xã Tạ Bú, huyện Mường La. Ông Ban sau đó được giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Khi thực hiện chủ trương đo đạc phục vụ bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp, bị can Ban biết Ban di dân đã không tiến hành đo đạc từng thửa đất. Họ chỉ xác định diện tích đất chung của bản rồi cho các hộ dân tự thống nhất và chia đất.
Lúc này, bị can Đèo Văn Ban đã chủ động thỏa thuận với tổ trưởng đo đạc để nâng khống diện tích và chuyển loại đất của gia đình để được đền bù giá cao. Khi được đồng ý, bị can Ban đã tự chỉ và khoanh vẽ diện tích, loại đất của gia đình không đúng thực tế để hưởng lợi hơn 1,2 tỷ đồng.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Sơn La) nghi các bị can còn có dấu hiệu vi phạm trong đo đạc, bồi thường với các hộ dân tái định cư ở xã Tân Lập (huyện Mộc Châu), hộ dân tái định cư tự di chuyển và đất tập thể. Tuy nhiên, qua kết quả giám định các tài liệu, Cơ quan An ninh điều tra xác định, không đủ căn cứ chứng minh và quy trách nhiệm hình sự về sai phạm của các bị can trong đo đạc, bồi thường với các hộ dân khác (trừ hộ ông Ban).
Cũng trong bản cáo trạng truy tố, do các bị can thành khẩn khai báo, có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có thành tích trong công tác được thưởng tặng nhiều bằng khen, giấy khen các cấp nên được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại điều 46 Bộ Luật hình sự năm 1999.
Ngày 23/12/2012, công trình Thủy điện Sơn La chính thức khánh thành trở thành đập thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với cao độ đỉnh đập 228,1 m; dài 961,6 m; chiều rộng đáy đập 105 m; chiều rộng đỉnh đập 10 m. Dung tích hồ chứa thủy điện 9,26 tỷ m3, với tổng công suất lắp máy 2.400 MW, sản lượng điện bình quân hàng năm trên 10 tỷ kWh, bằng gần 1/10 sản lượng điện của Việt Nam năm 2012.
Trần Thanh