Truy nguồn chiếc iPad cài email "chunghinhsu" của cựu Chủ tịch Hà Nội
(Dân trí) - Hội đồng xét xử vặn hỏi về nguồn gốc chiếc iPad mà luật sư Nguyễn Văn Tú giao nộp. Chiếc iPad này được cài đặt email "chunghinhsu" của cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Tại phiên xét xử cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng đồng phạm chiều 28/12, luật sư Nguyễn Văn Tú (bào chữa cho bị cáo Chung) giao nộp chiếc iPad có cài đặt email "chunghinhsu@gmail.com" của ông Chung, đề nghị Hội đồng xét xử để xem xét, đánh giá.
Theo cáo trạng, chiều tối ngày 15/5/2016, bị can Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường, gửi email cho ông Nguyễn Đức Chung vào địa chỉ chunghinhsu@gmail.com, đề xuất ông Chung chỉ đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội lùi ngày đóng thầu thêm 2 tuần để Bùi Quang Huy giới thiệu một công ty khác tham gia đấu thầu.
Ngay sau khi Bùi Quang Huy gửi email, ông Chung đã 2 lần gọi điện cho ông Nguyễn Văn Tứ, thời điểm đó Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội, yêu cầu đình chỉ gói thầu số hóa năm 2016 do Sở này chủ trì, dự kiến mở thầu vào sáng ngày 16/5/2016.
Tiếp đó, ngày 30/7/2016, Bùi Quang Huy tiếp tục gửi email cho ông Nguyễn Đức Chung, vào địa chỉ chunghinhsu@gmail.com, trong đó có nội dung đề xuất ông Chung dừng tất cả các gói thầu số hóa trên địa bàn TP Hà Nội để giao cho Công ty Nhật Cường thực hiện.
Liên quan đến vật chứng mới này, luật sư Nguyễn Văn Tú hỏi bị cáo Chung về nội dung chứa đựng trong chiếc iPad. Tuy nhiên, tín hiệu âm thanh truyền đến phòng dành cho báo chí gặp trục trặc, không nghe được cụ thể.
Sau đó, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Vũ Quang Huy vặn hỏi luật sư Tú về nguồn gốc chiếc iPad này. Luật sư Tú trình bày, quá trình tiếp xúc với bị cáo Chung tại trại tạm giam, ông được bị cáo Chung thông tin về chiếc iPad trên.
Khi được ông Tú thông báo, gia đình bị cáo Chung tìm kiếm và thấy chiếc iPad này trong phòng làm việc ở nhà ông Chung. Luật sư Tú thừa nhận, khi tiếp nhận chiếc iPad từ gia đình bị cáo Chung, ông không niêm phong, cũng không lập biên bản hiện trạng chiếc iPad.
"Vỡ mộng" vì Nhật Cường
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Chung, tham gia nội dung xét hỏi cựu Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội Nguyễn Văn Tứ. Tại phần thẩm vấn trước đó, ông Tứ khẳng định việc dừng thầu là do ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo.
Trả lời các xét hỏi của luật sư Thiệp, ông Tứ cho hay, việc thực hiện gói thầu số hóa được phân công cho Phó Giám đốc là ông Ngô Tiến Học phụ trách, bản thân bị cáo không trực tiếp làm. Tuy nhiên, bị cáo có được nghe báo cáo lại, phía Nhật Cường giới thiệu về tính tối ưu, vượt trội với công nghệ tiên tiến của Nga do họ được độc quyền làm đại diện cho hãng này.
Cựu Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội cho rằng, việc đưa công nghệ đó vào do ông mong muốn, tin tưởng đó là công nghệ mới, mang lại hiệu quả hơn công nghệ cũ. Bất kỳ doanh nghiệp nào mang lại công nghệ tốt hơn, giá không đổi thì ông ủng hộ, chứ không chỉ đạo để tạo lợi thế cho doanh nghiệp nào dự thầu.
Đối với quy kết, đưa công nghệ mới của Nga vào đã tạo lợi thế cho Nhật Cường khi đấu thầu, bị cáo Tứ trình bày, thời điểm đó, ông tin rằng Nhật Cường là doanh nghiệp được thành phố tin tưởng, đang được giao làm nhiều phần mềm quan trọng của thành phố. Ngoài ra, Nhật Cường còn được tham dự hầu hết các cuộc họp của thành phố về công nghệ thông tin.
"Nhật Cường còn gửi cho chúng tôi tài liệu thể hiện họ có công nghệ tiên tiến. Tôi không hình dung ra được họ hoán thầu, không làm gì, làm chúng tôi vô cùng vỡ mộng" - bị cáo Tứ nói.
Giám đốc Đông Kinh "chê" hạ tầng của Sở KH-ĐT Hà Nội
Trả lời thẩm vấn của luật sư, bị cáo Võ Việt Hùng - cựu Giám đốc Công ty Đông Kinh cho rằng, các phần việc của gói thầu rất đơn giản. Việc scan và đẩy dữ liệu như yêu cầu của gói thầu không có gì phức tạp, chỉ là việc sao chép dữ liệu từ điểm này sang điểm khác.
Theo trình bày của ông Hùng, vấn đề khó nhất là phải có chỗ để lưu dữ liệu, đồng thời, các số liệu của điểm đến và điểm đi phải trùng khớp. Công ty của ông không thể hoàn thành gói thầu do hạ tầng cũng như tài liệu Sở KH-ĐT Hà Nội cung cấp không đáp ứng được các điều kiện này.
Về việc lập hồ sơ các công ty "quân xanh" để thông thầu, bị cáo Hùng thanh minh, bản thân chịu áp lực của Công ty Nhật Cường. Theo ông Hùng, nhờ Nhật Cường nên Công ty Đông Kinh mới có việc làm nên họ yêu cầu làm gì thì phải làm thế. Khi đó, ông chỉ nghĩ đơn giản là mời nhà thầu khác làm "quân xanh" cho đủ số lượng chứ không thay đổi bản chất năng lực nhà thầu.
Đồng quan điểm với ông Hùng, bị cáo Phạm Thị Thu Hường, cựu Chánh văn phòng Sở KH-ĐT Hà Nội cho rằng, việc Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh không đáp ứng được yêu cầu hợp đồng còn do nhiều nguyên nhân khách quan như hạ tầng, điều kiện đơn vị tiếp nhận. Công việc vướng rất nhiều khó khăn do các tài liệu cần số hóa lúc thì không trùng khớp, lúc thì hạ tầng của Bộ KH-ĐT không đáp ứng được.
Trả lời câu hỏi về hợp đồng "khống" được ký giữa Nhật Cường và Công ty Minh Hoa của vợ bị cáo Nguyễn Đức Chung, bị cáo Lê Duy Tuấn (Giám đốc kinh doanh Công ty Đông Kinh) khẳng định, việc ký hợp đồng do bị can Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) chỉ đạo.
Bị cáo Tuấn cho hay, bị can Huy từng cho biết Nhật Cường đã triển khai phần mềm công nghệ cho Công ty Minh Hoa, chỉ cần ký hợp đồng để hợp thức. Về giá trị hợp đồng khống, ông Tuấn khai, bị can Huy từng nói Công ty Nhật Cường đã làm rất nhiều cho Công ty Minh Hoa, giá trị thừa vượt như hợp đồng "khống" trên.
Về cáo buộc bị cáo Tuấn tặng quà Tết cho một số cán bộ Sở KH-ĐT Hà Nội, ông Tuấn khai, toàn bộ việc tặng quà đều thực hiện theo chỉ đạo của bị can Bùi Quang Huy. Khi gặp và biếu quà, ông Tuấn đều xưng là nhân viên của Công ty Nhật Cường, không phải người của Công ty Đông Kinh.
Theo cáo buộc, các bị cáo Võ Việt Hùng, Lê Duy Tuấn và bị can Bùi Quang Huy đã nhờ pháp nhân một số công ty làm "quân xanh", ký hợp đồng "khống" với Công ty Minh Hoa để đưa vào hồ sơ năng lực, tạo điều kiện cho Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng thầu.
Sau đó, các bị cáo đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng thầu trái phép giữa Công ty Nhật Cường và Công ty Đông Kinh. Việc làm này giúp Nhật Cường hưởng lợi hơn 19 tỷ đồng, còn Nhà nước thiệt hại hơn 26,5 tỷ đồng.