1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Triệt phá đường dây lừa đảo qua mạng với số tiền gần 2.000 tỷ đồng

Tiến Thành

(Dân trí) - Đại tá Nguyễn Hữu Hợp, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình, cho biết, đây là tổ chức tội phạm đặc biệt nghiêm trọng sử dụng công nghệ cao, có yếu tố nước ngoài và xuyên quốc gia.

Ngày 27/7, Công an tỉnh Quảng Bình phối hợp với các lực lượng chức năng thuộc Bộ Công an và công an nhiều địa phương triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với số tiền gần 2.000 tỷ đồng.

Trước đó, Công an tỉnh Quảng Bình phát hiện trên địa bàn có nhiều người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng chục tỷ đồng trên không gian mạng bằng hình thức đầu tư tài chính (Forex) qua sàn RosyStyle. Hoạt động lừa đảo này do người nước ngoài cầm đầu, phạm tội có yếu tố xuyên biên giới.

Triệt phá đường dây lừa đảo qua mạng với số tiền gần 2.000 tỷ đồng - 1

Hai người nước ngoài liên quan đến vụ án bị bắt giữ (Ảnh: Công an Quảng Bình).

Sau khi Công an tỉnh Quảng Bình có báo cáo đề xuất, Bộ Công an đã giao Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình xác lập chuyên án đấu tranh.

Công an đã bắt giữ và di lý 6 người có liên quan từ tỉnh Tây Ninh về Quảng Bình để đấu tranh, làm rõ. Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố 6 bị can trên về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Triệt phá đường dây lừa đảo qua mạng với số tiền gần 2.000 tỷ đồng - 2

Nhóm bị can bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Ảnh: Công an Quảng Bình).

Mở rộng chuyên án, ngày 21/7, cơ quan công an tiếp tục triệu tập, đấu tranh với 21 người đến từ 14 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong số 5 người bị tạm giữ hình sự có 2 người gốc Trung Quốc, mang quốc tịch Malaysia. Họ bị điều tra về hành vi Thu thập, tàng trữ, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.

Đại tá Nguyễn Hữu Hợp, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình, cho biết, đây là tổ chức tội phạm đặc biệt nghiêm trọng sử dụng công nghệ cao, có yếu tố nước ngoài và xuyên quốc gia.

Tổ chức này do nhóm người Trung Quốc lập ra. Để thực hiện hành vi lừa đảo, họ tuyển người từ Việt Nam sang Campuchia để huấn luyện, chỉ dạy cách dùng các thiết bị máy tính, điện thoại, sim rác, tài khoản mạng xã hội do chúng cung cấp.

Nhóm cầm đầu tội phạm chuẩn bị các đoạn văn mẫu hướng dẫn cách nói chuyện, dụ dỗ, lôi kéo nhà đầu tư nộp tiền.

Chúng chia thành 3 bộ phận chính, gồm: Bộ phận telesale (gọi điện chạy quảng cáo tìm khách hàng); bộ phận chăm sóc khách hàng và bộ phận hướng dẫn khách nạp tiền đầu tư, hướng dẫn khách chuyển tiền vào các số tài khoản ngân hàng Việt Nam do nhóm người nước ngoài chỉ định.

Quá trình hoạt động, chúng đã giả danh các công ty tài chính tại Việt Nam nhằm tạo niềm tin cho bị hại. Họ được giao nhiệm vụ, vai trò khác nhau trong tổ chức lừa đảo như tìm kiếm khách hàng, chạy quảng cáo, chăm sóc khách hàng và có mối quan hệ móc xích, hỗ trợ nhau, mục đích cuối cùng là chiếm đoạt được tiền từ bị hại.

Triệt phá đường dây lừa đảo qua mạng với số tiền gần 2.000 tỷ đồng - 3

Cơ quan công an cũng đã thu giữ nhiều tang vật (Ảnh: Công an Quảng Bình).

Bước đầu, Ban Chuyên án đã xác định 24/44 tài khoản ngân hàng được chúng sử dụng để nhận tiền của bị hại. Qua phân tích, xác định tổng số tiền chuyển vào 24 tài khoản này là hơn 1.830 tỷ đồng, trong đó, hơn 5.500 tài khoản có giao dịch chuyển số tiền từ 11 triệu đồng trở lên. Các tài khoản này đều do người nước ngoài quản lý, sử dụng.

Cơ quan công an cũng đã thu giữ nhiều máy vi tính, điện thoại di động, thẻ ngân hàng, thẻ sim các loại mà nhóm tội phạm sử dụng để thực hiện.

Đại tá Lê Văn Hóa, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Bình, cho biết, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, có liên quan đến hàng trăm bị hại ở nhiều địa phương trong nước và nước ngoài. Vụ án vẫn đang tiếp tục được điều tra mở rộng.