1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án Huyền Như

(Dân trí) - Trong hơn 4.000 tỉ đồng mà Huyền Như lừa đảo, cơ quan tố tụng xác định có 1.085 tỉ đồng là tham ô chứ không phải lừa đảo nên tách thành 1 vụ án riêng. Theo luật Hình sự, hình phạt cao nhất của tội tham ô là tử hình, còn tội lừa đảo cao nhất chỉ bị xử chung thân.

Ngày 18/4, thông tin từ TAND TPHCM cho biết cơ quan này đã trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án Huỳnh Thị Huyền Như giai đoạn 2 (xác minh hành vi làm thất thoát 1.085 tỉ đồng). Theo cơ quan điều tra, đây là hành vi lừa đảo. Không đồng ý, TAND TPHCM trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Trong vụ án này, ngoài Huỳnh Thị Huyền Như còn có bị can Võ Anh Tuấn (35 tuổi, nguyên cán bộ Vietinbank - chi nhánh TPHCM) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 10 bị can khác bị truy tố về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Huyền Như tại tòa
Huyền Như tại tòa

Đây chỉ là một trong rất nhiều lần Huỳnh Thị Huyền Như phải hầu tòa. Trước đó, Như bị TAND TPHCM xử phạt tù chung thân cho cả hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Tháng 2/2015, khi xét xử, Tòa phúc thẩm TAND tối cao (bây giờ là cấp cao) tại TPHCM đã tuyên hủy một phần bản án của TAND TPHCM để điều tra lại, tách thành 1 vụ án riêng nhằm làm rõ hành vi tham ô tài sản của Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm trong việc chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng.

Tòa phúc thẩm cho rằng số tiền 1.085 tỉ đồng là do Huỳnh Thị Huyền Như tham ô của VietinBank chứ không phải lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, tội tham ô tài sản với số tiền từ 500 triệu đồng trở lên có thể bị xử phạt tử hình. Trong khi đó, mức hình phạt cao nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tù chung thân.

Tuy nhiên, sau quá trình điều tra, cơ quan điều tra cho rằng không có căn cứ truy tố Huyền Như tội tham ô tài sản. Từ đó, giữ nguyên quan điểm truy tố Huyền Như cùng đồng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, TAND TPHCM không đồng ý và trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.

Theo nội dung vụ án, từ năm 2007, Huyền Như đã đứng ra vay rất nhiều tiền của nhiều tổ chức, cá nhân với lãi suất rất cao. Ngoài ra, Như còn vay của nhiều ngân hàng khác trên 200 tỷ đồng. Do việc kinh doanh bất động sản thua lỗ, đến năm 2010, Như không còn khả năng thanh toán.

Để có tiền trả nợ ngân hàng và các khoản nợ, lãi bên ngoài, Như đã lợi dụng chức danh là kiểm soát viên - quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ Vietinbank chi nhánh TPHCM đi gặp gỡ và giao dịch với đối tượng môi giới, người đại diện của 5 công ty TMCP đầu tư Hưng Yên, An Lộc, Bảo hiểm Toàn Cầu, Chứng khoán Saigonbank- Berjaya (SBBS) và Phương Đông.

Để thuyết phục các khách hàng, Như thoả thuận sẽ chi lãi suất ưu đãi vượt lãi suất trần nhà nước quy định. Vì lòng tham nên những đơn vị đồng ý gửi tiền vào Vietinbank.

Tuy nhiên, khi các đơn vị này vừa chuyển tiền vào tài khoản thanh toán tại Vietinbank, Như đã lập chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống (là kiểm soát viên, trưởng phòng giao dịch) tiến hành các thao tác chuyển tiền từ tài khoản khách hàng sang tài khoản của Như. Với thủ đoạn nêu trên, Như đã chiếm đoạt trên 1.085 tỷ đồng của 5 công ty nói trên…

Xuân Duy