1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Tội phạm giết người ở Cà Mau gia tăng, diễn biến phức tạp

Nhật Linh Đan

(Dân trí) - Lãnh đạo VKSND tỉnh Cà Mau cho biết, tội phạm giết người năm 2022 trên địa bàn tỉnh gia tăng và diễn biến phức tạp khi có nhiều vụ xảy ra khá nghiêm trọng.

Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Cà Mau chiều 8/12, ông Đặng Dư Phương, Viện trưởng VKSND tỉnh Cà Mau, cho biết, năm 2022, cơ quan chức năng đã khởi tố 634 vụ, với 838 bị can các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, tham nhũng, kinh tế, trật tự xã hội, ma túy…

Tội phạm giết người ở Cà Mau gia tăng,  diễn biến phức tạp - 1

Ông Đặng Dư Phương, Viện trưởng VKSND tỉnh Cà Mau (Ảnh: GHY).

Theo ông Phương, so với năm 2021, một số tội giảm số vụ nhưng tăng số bị can.

Trong đó, lừa đảo chiếm đoạt tài sản giảm 5 vụ, tăng 34 bị can. Điển hình có vụ Đinh Thị Thu Hiền, nguyên là chuyên viên Ngân hàng Quốc Dân chi nhánh Cà Mau, dùng thủ đoạn gian dối vay tiền để cho vay lại đáo hạn ngân hàng, đã chiếm đoạt trên 13 tỷ đồng.

Tội phạm xâm phạm về trật tự quản lý kinh tế giảm 4 vụ, tăng 6 bị can. Điển hình vụ Vi phạm quy định về đấu thầu xảy ra tại đơn vị của Sở Y tế liên quan đến Công ty Việt Á, đã khởi tố 3 bị can.

Đáng chú ý, tội phạm giết người lại gia tăng và diễn biến phức tạp. Cơ quan chức năng đã khởi tố 20 vụ, với 26 bị can (tăng 8 vụ, 11 bị can). Trong đó, xảy ra một số vụ khá nghiêm trọng như giết nhiều người, giết người cướp tài sản, giết người thân dìm xác xuống nước nhằm che giấu tội phạm.

Điển hình các vụ: Nguyễn Hoàng Lên giết 3 người xảy ra ngày 4/4; Sơn Thị Hồng dùng dao giết chồng dìm xác xuống ao xảy ra tháng 10/2021, đến khoảng 7 tháng sau mới phát hiện; Phạm Văn Tròn dùng dao giết chết em ruột rồi dìm xác xuống ao tôm xảy ra ngày 11/4…

Lãnh đạo VKSND tỉnh Cà Mau cho rằng, nguyên nhân tội phạm tăng do việc tuân thủ và chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các quy định về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong quan hệ dân sự, kinh tế, gia đình… chưa sâu rộng; công tác hòa giải ở cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa chưa hiệu quả;...

"VKSND 2 cấp đã tổng hợp các nguyên nhân, điều kiện phạm tội, đã ban hành 14 kiến nghị đến chính quyền và các ngành chức năng thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm", ông Đặng Dư Phương cho hay. 

Theo Viện trưởng VKSND tỉnh Cà Mau, trong năm 2022 (tính đến cuối tháng 10/2022), VKSND cấp huyện đã thụ lý 5 đơn yêu cầu bồi thường oan sai và xin lỗi công khai. Hiện có 2 trường hợp VKS đã công khai xin lỗi và đang thương lượng bồi thường.

Còn 3 trường hợp không yêu cầu công khai xin lỗi, VKS đã xác minh thiệt hại và đang thương lượng bồi thường.