1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Tội ác bắt nguồn từ game bạo lực

(Dân trí) – Đã có hàng loạt vụ thảm án xảy ra được xác định nguyên nhân phát sinh từ game bạo lực. Cơ quan chức năng vẫn ra sức ngăn chặn game “đen”. Tuy nhiên, nhiều lỗ hổng vẫn chưa thể xử lý.

Vụ thảm sát ở tiệm vàng Ngọc Bích (Bắc Giang) đã khép lại, Lê Văn Luyện cúi đầu nhận án. Nguyên nhân dẫn đến vụ án kinh hoàng khiến hung thủ ra giết người, cướp của tàn bạo xuất phát từ nợ nần và nghiện game. Trước đó, vụ án “Xác chết không đầu ở khu chung cư G4” cũng gây bàng hoàng trong dư luận. Nguyễn Đức Nghĩa - sát nhân máu lạnh sắp chịu án tử hình cũng là một người nghiện game.
 
Cũng trong năm 2011 hàng loạt vụ án cướp của, giết người để lấy tiền chơi game đã được báo chí đăng tải. Đối tượng phạm tội phần lớn ở lứa  tuổi học trò đang là nỗi nhức nhối của xã hội. Theo thống kê, tại Việt Nam, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin thì các hình thức giải trí qua Internet, trong đó game online cũng đang có xu thế tăng mạnh mẽ.

Kết quả nghiên cứu Net Index 2010 do Yahoo! cùng Kantar Media khảo sát hơn 1.500 nam nữ từ 15 tuổi trở lên sống tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ vừa được công bố cho thấy: hoạt động chơi game online chiếm đến 50% lượng người truy cập Internet.

Tội ác bắt nguồn từ game bạo lực - 1

Một bộ phận giới trẻ đang chôn vùi những năm tháng thanh xuân trong thế giới ảo đầy bạo lực. (Ảnh: Q. Phong)

Những nghiên cứu khác cũng đã cho thấy chỉ trong vòng 4 năm (2006-2010) số lượng người chơi game ở Việt Nam tăng gấp 4 lần (từ 1 triệu lên 8 triệu) với rất nhiều thể loại game đa dạng và phong phú như: nhập vai kiếm hiệp, bắn súng… Trong đó, một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ đang mê đắm trong thế giới ảo đầy bạo lực, chém, giết… Theo thời gian, game bạo lực đã và đang ăn mòn đạo đức của họ, đẩy không ít thanh niên trẻ vào con đường phạm trọng tội ngoài xã hội.

Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia cho rằng, không thể phủ nhận thực tế, trong xã hội hiện đại, áp lực công việc gia tăng khiến cho nhiều người chơi tìm đến game như là một cách để giải tỏa căng thẳng, xua đi cảm giác mệt mỏi. Nếu game lành mạnh, bổ ích cộng với việc điều tiết thời gian chơi hợp lý có thể giúp người chơi thư thái, cân bằng về mặt tinh thần, tâm lý. Còn game “đen” sẽ khiến người chơi sa đà, lệch lạc tâm lý.

Thời gian qua, cũng đã có nhiều nghiên cứu tìm hiểu ảnh hưởng của game bạo lực đối với người chơi ở Việt Nam. Những kết quả bước đầu chỉ ra rằng ảnh hưởng của game đối với người chơi được thể hiện qua tâm lý của giới trẻ. Tiếp xúc thường xuyên với những hình ảnh bạo lực trong game sẽ dần cảm nhận, chấp nhận hình ảnh đó (cảm thấy sảng khoái, thích thú…), lâu ngày đúc kết thành niềm tin (biến con người họ vào cuộc sống trong game, như game). Khi đó ảo thực lẫn lộn, các game thủ sẽ ám ảnh trong tâm thức về những hành vi đó, cuối cùng là chấp nhận và cho đó là một hành vi bình thường trong xã hội thực. Do đó, chuyện các băng nhóm học sinh đánh nhau trong trường học cũng có phần xuất phát từ hình ảnh về các bang phái băng đảng trong game online.

Hiện thực đang diễn ra là đa phần các trò game tại Việt Nam đang “mê hoặc” đông đảo giới trẻ lại là những game bạo lực, chủ yếu được nhập ngoại. Hơn thế, tính bạo lực trong game online hiện nay ngày càng tinh vi, hung dữ hơn. Nếu trước đây trong một trò game, các nhân vật chỉ đánh bằng tay thì ngày nay được trang bị hàng loạt vũ khí có tính sát thương cao hơn và "giết" được nhiều người chơi hơn.

Về phía cơ quan quản lý, theo Thông tư 02 của Bộ Thông tin và Truyền thông đã quy định trẻ em dưới 14 tuổi vào quán internet chơi game, truy cập mạng phải có người lớn đi kèm, hướng dẫn. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này chưa có tính khả thi. Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội thừa nhận, quy định là vậy, nhưng trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều đại lý Internet dễ dàng “lách luật” bằng cách “đóng băng” các phần mềm nên sau khi tắt máy, khó lấy lại thông tin người chơi. Một cơ sở cũng thường sử dụng nhiều đường truyền để dự phòng nên sau thời gian quy định, nhiều đại lý vẫn hoạt động…. Vấn đề phân loại độ tuổi “thượng đế” của các quán internet cũng chỉ mang tính đối phó.

Nhìn nhận vấn đề, lãnh đạo Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử ( Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng những năm qua, game online phát triển nhanh, tạo ra một hiện tượng xã hội, trong đó đang tồn tại những tiêu cực. Dù vậy , theo luật, khi Việt Nam đã cho phát triển  internet thì không thể cấm game online.

“Nhu cầu chơi game cũng như chơi thể thao, dã ngoại khác. Không thể cấm người dùng internet chơi game, mà chỉ có thể làm cách nào để game tác dụng có lợi nhất cho cộng đồng mà thôi. Quan điểm của chúng tôi là ủng hộ sản xuất game trong nước với nội dung lành mạnh, góp phần quảng bá văn hóa Việt…” - ông Chu Hòa, Phó cục trưởng Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử nói.

Cũng theo ông Hòa, hơn một năm qua, cơ quan chức năng đã thắt chặt dần việc quản lý game, loại bỏ yếu tố bạo lực, sex… Theo đó, khi doanh nghiệp mang sản phẩm game đến, nếu nội dung game có hình ảnh và nội dung phản cảm sẽ không được duyệt phát hành. Do phải qua khâu kiểm duyệt chặt chẽ, doanh nghiệp đã bớt nhập khẩu những game bạo lực quá mức.

Nhưng lại có một thực tế, để đáp ứng nhu cầu chơi game đang phát triển mạnh trong nước, các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục nhập game từ nước ngoài và không có quyền can thiệp vào nội dung game nhập khẩu.

Nhìn nhận ở góc khác của vấn đề, TS Trịnh Hòa Bình (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng, giới trẻ hiện nay đam mê game một phần cũng bởi quá thiếu sân chơi và sự chăm sóc, định hướng từ cha, mẹ . Trong khi đó, những trò chơi trên thế giới ảo có thể dễ dàng tìm thấy ở nhiều nơi. Ông Bình cho rằng, để hạn chế việc các em vùi đầu vào game, các cơ quan liên quan cần có những biện pháp để tăng thêm nhiều loại hình giải trí khác. Về phía gia đình, người lớn cần tìm cách giúp các em tách dần ra khỏi game “đen”, tìm những thú vui lành mạnh.

 P. Thanh