Tòa xét đơn kháng cáo bản án tử hình của bà Trương Mỹ Lan
(Dân trí) - Bị TAND TPHCM tuyên phạt mức án tử hình, bà Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ phán quyết trên. Phiên tòa phúc thẩm dự kiến kéo dài hơn 20 ngày.
Sáng 4/11, TAND Cấp cao xem xét kháng cáo bản án tử hình của bà Trương Mỹ Lan trong giai đoạn 1 của vụ án Vạn Thịnh Phát. Bà Lan bị cáo buộc gây thiệt hại 677.000 tỷ đồng cho Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
Tòa phúc thẩm cũng xem xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 46 bị cáo khác về các sai phạm liên quan đến SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
HĐXX gồm 3 thẩm phán cao cấp, do bà Huỳnh Thanh Duyên (Chánh Tòa Kinh tế TAND Cấp cao tại TPHCM) làm chủ tọa. Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài đến hết ngày 25/11.
Bị hại trong vụ án được xác định là Ngân hàng SCB và bà Trương Mỹ Lan (liên quan hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản). Bên cạnh đó, HĐXX cũng triệu tập 5 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai.
Tham gia phiên tòa có gần 100 luật sư bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, bị hại, người liên quan, trong đó bà Trương Mỹ Lan có 5 luật sư.
Trước đó, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, tử hình về tội tham ô tài sản; 20 năm tù về tội đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Về trách nhiệm dân sự, bản án sơ thẩm buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay là 677.000 tỷ đồng.
Không chấp nhận bản án này, bà Lan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và có đơn miễn án phí (gần 674 tỷ đồng). Người phụ nữ này cho rằng mức án tử hình là quá nghiêm khắc và đề nghị xem xét lại một số nội dung có liên quan.
Liên quan tới vụ án, bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) cũng kháng cáo toàn bộ bản án. 46 bị cáo còn lại trong đó có cháu của Trương Mỹ Lan cùng các cựu lãnh đạo ngân hàng SCB đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo.
Ngoài 48 bị cáo trong vụ án có kháng cáo, phía bị hại là Ngân hàng SCB cũng kháng cáo đề nghị xem xét toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, xử lý tài sản kê biên, phong tỏa.
Phía người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai cũng kháng cáo đề nghị xem xét việc công ty chỉ phải trả số tiền tương đương hơn 1.441 tỷ đồng cho bị cáo Lan, khấu trừ 130 tỷ đồng mà công ty đã chuyển cho Công ty Cổ phần chứng khoán Tân Việt; đề nghị xem xét trả lại 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Một người liên quan khác là Công ty Cổ phần T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc Quảng Ninh kháng cáo đề nghị xem xét hủy bỏ các thỏa thuận khung đã ký kết, giải tỏa kê biên, trả lại cổ phần, bất động sản của công ty đang bị kê biên sau khi hoàn trả lại số tiền hơn 6.095 tỷ đồng.