1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Tiền của Vinalines ra nước ngoài rồi “chảy” ngược lại… túi bị cáo

(Dân trí) - Đại diện VKS dùng hình ảnh này để khái quát về con đường lắt léo khoản tiền bị tham ô đã đi để từ vốn nhà nước thành tài sản chiếm hưởng cá nhân. Hậu quả thương vụ 83M lên đến hàng trăm tỷ đồng, ai cũng thấy rõ, không có gì để bênh vực.

Đối đáp lại quan điểm của các luật sư về việc xác định ụ nổi có phải là tàu hay không, đại diện VKSND Hà Nội cho rằng, về kỹ thuật, không cần chuyên môn cũng có thể biết tàu biển và ụ nổi là thế nào nhưng vấn đề nói đến trong vụ án là từ góc độ quản lý nhà nước, cách thức, phương tiện quản lý với tài sản đưa vào nội địa. Ụ nổi theo đó, được quản lý bằng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, văn bản quy định cao nhất là luật Hàng hải.

Kiểm sát viên dẫn chứng, Viện tiêu chuẩn chất lượng VN đã có văn bản nêu rõ, ụ nổi chưa được xác định nên được quản lý theo quy phạm về quản lý tàu biển. Thực tế, trên hồ sơ, các văn bản pháp lý liên quan đến việc mua ụ nổi này đều có nội dung ghi rõ “ụ nổi 83M sau đây gọi là tàu”. Những chữ này, theo kiểm sát viên, không lý gì các cơ quan chức năng khi xem xét qua các quy trình lại không hiện ra.

Đại diện cơ quan công tố cũng dẫn lại biên bản giám định của đăng kiểm viên Lê Văn Dương lập ngày 8/8/2007 cũng ghi rõ là “biên bản giám định kiểm tra trước khi mua tàu”.

Gần nhất, kiểm sát viên dẫn văn bản vào thời điểm 2011, đại diện Bộ GTVT, TCty Vinalines vẫn thông qua tờ khai của CTy TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines đề nghị đăng ký tàu biển cho ụ nổi 83M với nội dung xác định loại tàu là… ụ nổi.

“Và sau hết, ụ nổi này có tên trong sổ đăng ký tàu biển quốc gia. Như vậy, nói ụ nổi không phải tàu biển chẳng lẽ nó là… mớ rau?” – kiểm sát viên chốt lại, toàn bộ hồ sơ pháp lý do TCty làm để mua, đăng kiểm ụ nổi này đều tuân theo Nghị định 49 (hướng dẫn thi hành luật Hàng hải).
 
Tiền của Vinalines ra nước ngoài rồi “chảy”ngược lại… túi bị cáo
Dương Chí Dũng kêu "oan" tại phiên xử

LS Ngô Ngọc Thủy (bảo vệ cho Dương Chí Dũng) không chịu, vẫn cho rằng, ụ nổi có hành lang pháp lý điều chỉnh riêng mà nếu VN chưa có luật thì cần tuân thủ quy định theo các điều ước quốc tế đã tham gia.

Dương Chí Dũng cũng hỗ trợ, dẫn thêm thông tin, VN là thành viên tổ chức Hàng hải quốc tế nên phải thực hiện các công ước này. Luật hàng hải 2005 thì hiện có nhiều khúc mắc, thiếu sót, đang phải chờ sửa, không cụ thể hóa mẫu kê khai đăng ký các loại phương tiện hàng hải nên chưa có mẫu dành cho ụ nổi, ụ vẫn phải kê khai là tàu. Đây là thiếu sót của chính sách.

HĐXX gạt quan điểm này, cho rằng thay đổi chính sách là của chuyện của thì tương lai.

LS Nguyễn Huy Thiệp (bảo vệ cho bị cáo Mai Văn Phúc) cũng phản pháo quan điểm khi đại diện VKS cho rằng không nên tranh luận việc ụ nổi có phải tàu biển không. Theo ông Thiệp, nếu là xác định đó là tàu, các cơ quan tố tụng có thể liệt kê 1 loạt văn bản pháp luật điều chỉnh mà các bị cáo đã không thực hiện (như luật Đấu thầu, luật Hàng hải, Nghị định 16, 49…). Nhưng nếu xác định nó không phải tàu thì được loại bỏ cả loạt văn bản đó vì không đúng đối tượng.

“Bị cáo chết, vợ con sẽ còn kêu oan suốt cuộc đời”

Về hành vi tham ô của 2 quan chức từng đứng đầu Vinalines, đại diện VKS lập luận hợp đồng thỏa thuận giữa công ty AP với Nakhodka, Global Success về việc ăn chia mà CQĐT thu thập được từ Singapore đã thể hiện rõ kịch bản sắp xếp của các bị cáo. Hậu quả của việc ăn chia, một phần tiền từ Vinalines (1,666 triệu USD) sau khi đổ ra nước ngoài lại quay ngược về Việt Nam.

“Số tiền thỏa thuận chính xác đến 3 số sau dấu phẩy như vậy, về đến VN cũng hoàn toàn chính xác như thế. Chứng từ thể hiện tiền chuyển về đến công ty Phú Hà vẫn thể hiện nội dung là làm thủ tục liên quan đến ụ nổi 83M. Mà tiền liên quan đến ụ nổi không phải của TCty, của nhà nước đi ra nước ngoài rồi lại quay về túi các bị cáo thì là cái gì?” – kiểm sát viên không giấu giọng bức xúc.

Đại diện cơ quan công tố cũng bình luận về việc Dũng bỏ tiền mua 2 căn hộ siêu sang, trị giá đến hàng chục tỷ đồng/căn cho người tình, chắc chắn số tiền lớn như vậy một công chức bình thường không thể có được. Quá trình xét xử cũng xác định Dũng có hành vi bỏ trốn sau khi nghe điện thoại báo tin bị khởi tố, kiểm sát viên đề nghị HĐXX xem xét đây là một 1 tình tiết tăng nặng với bị cáo.

Dương Chí Dũng “bật” lại, nếu nói chỉ vì Dũng quen thân với ông Goh hay căn cứ vào lời khai của Trần Hải Sơn về việc chia tiền để kết luận bị cáo tham ô thì quá suy diễn. Giải thích lý do Sơn có thể đổ tội cho mình dù không mâu thuẫn, Dũng cho biết, trước vụ việc này, Sơn đã “dính” án tham ô hơn 2 tỷ đồng trong một vụ sửa chữa tàu khác. Theo Dũng, như thế, để chạy tội, Sơn sẽ đổ tội cho bất cứ ai dù có thù oán hay không để cứu bản thân và gia đình.

“Tòa tuyên tôi phạm tội, tuyên phạt phải chết thì tôi cũng đành chết nhưng vợ con, gia đình tôi sẽ phải kêu oan suốt cuộc đời. Còn tôi nhất định không nhận sự ô nhục này” – cựu Chủ tịch Vinalines thê thiết.

Đến lượt LS Nguyễn Huy Thiệp “tung hứng” với bị cáo. Ông Thiệp lập luận, chính bản thỏa thuận 7/7/2007 VKS dùng như chứng cứ buộc tội các bị cáo, nhìn ở góc độ khác lại loại trừ được trách nhiệm của các cán bộ ở Vinalines. Bản thỏa thuận có trước khi Tổng GĐ Mai Văn Phúc ký quyết định lập đoàn khảo sát đi Nga, sao có căn cứ để xác minh bên thứ 3 được nhận 1,666 triệu USD theo chỉ định của công ty Global Success chính là Vinalines.  

Còn khả năng Trần Hải Sơn đổ tội cho 2 “đàn anh”, ông Thiệp cho rằng có thể lý giải vì không ai hưởng lợi từ việc này ngoài Sơn và gia đình. Mục đích, động cơ của hành động này như thế là rõ, phù hợp với tâm lý học tội phạm.

Đại diện VKS cho rằng lời khai của Sơn có các căn cứ đối chiếu như đúng là có việc Mai Văn Phúc từng gặp ông Goh trước khi Goh gặp Sơn nói chuẩn bị nhận tiền. Cựu Tổng GĐ Vinalines bật dậy: “Đúng là có 1 lần tôi gặp Goh ở Vinalines nhưng không phải một mình mà cùng 7 người khác, chỉ chào hỏi xã giao nhau trong 3-5 phút sau đó có cuộc họp, tôi đi luôn thì không thể nói là thỏa thuận gì khi đó”.

Ông Thiệp cũng góp lời, việc VKS viện dẫn lời khai của các nhân chứng như Hà, Huyền, Hưng, Long, đều là các em gái, em rể của Sơn thì không khách quan. Ngoài ra, những lời khai đó cũng chỉ chứng minh có việc tiền chuyển từ Singapore về, có việc rút tiền, có việc đưa tiền đưa cho anh trai Trần Hải Sơn… nhưng điểm nút là thời điểm giao tiền cho  Dũng, Phúc thì đều không chứng kiến. Như vậy, theo ông Thiệp, những lời khai này không có ý nghĩa gì.

P.Thảo

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước