1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Thủ đoạn nâng khống giá máy xét nghiệm ở CDC Hà Nội diễn ra như thế nào?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Máy xét nghiệm Covid-19 khi nhập về chỉ với giá hơn 2,3 tỷ đồng (gồm cả thuế), nhưng sau đó, các đối tượng đã mua bán lòng vòng qua các công ty và cuối cùng bán cho CDC Hà Nội với giá 7 tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án liên quan đến hành vi nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19, xảy ra  tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội) và các đơn vị liên quan. 

C03 đã đề nghị VKSND tối cao truy tố bị can Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc CDC Hà Nội và 9 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Thủ đoạn nâng khống giá máy xét nghiệm ở CDC Hà Nội diễn ra như thế nào? - 1

Trung tâm CDC Hà Nội.

Gây thiệt hại tài sản của nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng

Kết luận điều tra cho biết, theo quy định của Luật Đấu thầu, CDC Hà Nội phải lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xây dựng giá kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/dịch vụ của CDC Hà Nội đã không thực hiện quy định trên.

Nguyễn Nhật Cảm đã bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech) và Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông -  Công ty trực tiếp nhập khẩu Hệ thống máy Realtime PCR tự động của hãng Qiagen - Đức) ấn định nhà thầu là Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (viết tắt là Công ty MST) với mức giá trúng thầu được chỉ định là hơn 9,5 tỷ đồng (riêng giá của Hệ thống Realtime PCR tự động là 7 tỷ đồng).

Để hợp thức hóa việc lựa chọn nhà thầu với giá được ấn định từ trước, CDC Hà Nội đã thuê Công ty Cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành (viết tắt là Công ty Nhân Thành) lập khống Chứng thư thẩm định giá với giá ấn định trên và hoàn thiện các thủ tục chỉ định thầu. 

"Sau khi thỏa thuận, Nguyễn Ngọc Nhất cùng các đối tượng Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty MST) và Nguyễn Thanh Tuyền đã thông đồng nâng giá Hệ thống Realtime PCR trên từ hơn 3,7 tỷ đồng lên 7 tỷ đồng đồng", kết luận cho biết.

Thủ đoạn nâng giá hết sức tinh vi được kết luận điều tra chỉ ra: Công ty Phương Đông nhập khẩu với giá hơn 2,3 tỷ đồng (bao gồm cả thuế), sau đó bán cho Công ty Hưng Long (do bà Nguyễn Hải Yến là vợ của Đào Thế Vinh làm Giám đốc) với giá hơn 3,7 tỷ đồng; tiếp đó, Đào Thế Vinh đã nhờ bà Bùi Thị Hồng Hà, Giám đốc Công ty KĐ ký hợp đồng mua lại của Công ty Hưng Long với giá hơn 4,6 tỷ đồng. Sau đó, Công ty KĐ ký hợp đồng bán cho Công ty MST của Vinh với giá hơn 6,6 tỷ đồng. Cuối cùng, Công ty MST bán cho CDC Hà Nội với giá 7 tỷ đồng.

"Các đối tượng đã thống nhất chi lại 15% cho Nguyễn Nhật Cảm và chi cho Đào Thế Vinh 1,5% giá của hệ thống trên. Số tiền chênh lệch còn lại sau khi trừ các chi phí, Nguyễn Ngọc Nhất và Nguyễn Thanh Tuyền mỗi người được hưởng lợi 50%", kết luận điều tra cho biết.

Ngày 3/3/2020, Công ty MST đã tiến hành lắp đặt bàn giao Hệ thống Realtime PCR tự động, đưa vào sử dụng tại CDC Hà Nội (địa chỉ số 70 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội). CDC Hà Nội đã chuyển khoản thanh toán hơn 9,5 tỷ đồng (gồm cả tiền máy tách chiết DNA/RNA tự động là 1,2 tỷ đồng; 3 tủ lạnh là 1,34 tỷ đồng) cho Công ty MST. 

Kết luận điều tra cho biết, CDC Hà Nội phê duyệt giá kế hoạch trước khi có yêu cầu thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá; sau đó đã yêu cầu Công ty Nhân Thành lùi thời gian ban hành chứng thư cho phù hợp với thời gian phê duyệt giá kế hoạch (Chứng thư thẩm định giá hoàn thành ngày 27/2/2020 được ghi lại vào ngày 24/2/2020 là ngày phê duyệt giá kế hoạch gói thầu của CDC Hà Nội).

Việc ban hành chứng thư thẩm định giá không đúng quy định, không có giá trị pháp lý, gây thiệt hại cho nhà nước.

Cơ quan điều tra xác định, bị can Nguyễn Nhật Cảm, với chức trách là Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/dịch vụ của CDC Hà Nội đã trực tiếp thỏa thuận với Nguyễn Ngọc Nhất và Nguyễn Thanh Tuyền ấn định mức giá mua Hệ thống Realtime PCR tự động hãng Qiagen, Đức với giá 7 tỷ đồng; chỉ đạo cấp dưới hợp thức hồ sơ đấu thầu gói thầu số 15 để chỉ định Công ty MST trúng thầu, gây thiệt hại tài sản của nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng. 

Thủ đoạn nâng khống giá máy xét nghiệm ở CDC Hà Nội diễn ra như thế nào? - 2

Bị can Nguyễn Nhật Cảm.

Sẽ chi phí 15% lợi nhuận cho ông Nguyễn Nhật Cảm?

Theo lời khai của Nguyễn Ngọc Nhất, sau khi thống nhất với Tuyền, Nhất và Tuyền đến gặp ông Nguyễn Nhật Cảm để trao đổi rồi thống nhất giao cho Nhất thực hiện việc bán Hệ thống Realtime PCR tự động của hãng Qiagen - Đức cho CDC Hà Nội, giá bán 7 tỷ đồng và sẽ chi phí 15% lợi nhuận cho ông Cảm. 

Tuy nhiên ông Cảm không thừa nhận Nhất có trao đổi với mình việc trích lại cho CDC Hà Nội phần trăm gói thầu, nên chưa đủ căn cứ chứng minh.

Cũng theo kết luận điều tra, ngoài gói thầu trị giá hơn 9,5 tỷ đồng nêu trên, còn lại 16 gói thầu mua trang thiết bị, vật tư tiêu hao trị giá hơn 81 tỷ đồng, CDC Hà Nội đã thanh toán cho nhà thầu hơn 69 tỷ đồng.

Còn có 2 gói thầu thiết kế, in ấn các tài liệu và phát sóng các nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trị giá hơn 1,9 tỷ đồng, CDC Hà Nội đã thanh toán cho nhà thầu hơn 1,3 tỷ đồng.

Đến nay chưa xác định rõ sai phạm các gói thầu trên, Cơ quan điều tra Bộ Công an tách hồ sơ để tiếp tục làm rõ, nếu xác định sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.