Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản: Đấu tranh với hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm
(Dân trí) - Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, Bộ Công an sẽ xác định công tác đấu tranh với hàng giả, hàng nhái là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của công an các đơn vị, địa phương.
Tại họp báo thông báo tình hình kết quả công tác công an 6 tháng đầu năm do Bộ Công an tổ chức vào chiều 7/7, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, đã thông tin một số nội dung liên quan công tác xử lý hàng giả, hàng nhái.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, công tác xử lý hàng giả, hàng nhái của lực lượng công an sẽ tập trung đồng bộ vào các lĩnh vực gồm: Phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái…; xem xét, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý nhà nước; làm rõ hành vi “tiếp tay” như quảng cáo sai sự thật...
Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, qua các vụ án, vụ việc, quan trọng nhất là phát hiện ra những kẽ hở, sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước, trong quy định pháp luật để kiến nghị giải pháp phòng ngừa và khắc phục.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an (Ảnh: Nam Trung).
Về việc có sự “tiếp tay”, “móc ngoặc” của một số cán bộ trong công tác quản lý nhà nước, theo Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, gần đây, cơ quan công an đã khởi tố 9 bị can, trong đó có nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong vụ thực phẩm chức năng giả của Công ty MegaPhaco, MediUSA.
Về phương hướng thời gian tới, Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, Bộ Công an sẽ xác định công tác đấu tranh với hàng giả, hàng nhái là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của công an các đơn vị, địa phương, với tinh thần thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực này, qua đó bảo đảm sức khỏe của nhân dân.
Bộ Công an sẽ tiếp tục khẩn trương xử lý các vụ án, phối hợp với viện kiểm sát, tòa án sớm kết thúc các vụ án; làm rõ tất cả các hành vi, những cá nhân có liên quan để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, Bộ Công an cũng sẽ tiếp tục tham mưu phòng ngừa, khắc phục những sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước, qua đó, từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh.